Phát biểu trước Quốc hội chiều 8/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển, tăng trưởng, đa dạng hóa sản phẩm, song đã xuất hiện một số hành vi tiềm ẩn rủi ro, vi phạm quy định pháp luật.
Trước tình hình trên, từ tháng 12/2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 8 công điện và văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và nhiều văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực bất động sản.
Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp.
Thứ nhất, khẩn trương nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ hai, thường xuyên theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân hoạt động theo quy định pháp luật, phát triển các thị trường lành mạnh, an toàn, hiệu quả, bền vững; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể, tổ chức, cá nhân tham gia thị trường.
Thứ ba, chủ động công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách; ổn định tâm lý nhà đầu tư; ngăn chặn kịp thời các thông tin thất thiệt, ảnh hưởng đến thị trường.
|
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái |
Về tín dụng đối với đầu tư kinh doanh chứng khoán, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường chứng khoán có rất nhiều chủ thể thu hút nhiều nguồn vốn tham gia, trong đó nguồn vốn tín dụng là một kênh.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành khuôn khổ pháp lý quy định, khi các tổ chức tín dụng tham gia thị trường chứng khoán thì phải đảm bảo kiểm soát được rủi ro. Cụ thể, đối với cổ phiếu, Ngân hàng Nhà nước quy định các tổ chức tín dụng không được trực tiếp mua cổ phiếu của doanh nghiệp, mà phải thành lập công ty con, công ty liên kết để mua để tách biệt rủi ro của các ngân hàng.
Với trái phiếu doanh nghiệp, ngoài vai trò trực tiếp mua trái phiếu doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng còn đóng vai trò cấp tín dụng cho tổ chức cá nhân để đầu tư chứng khoán. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng này cần có tỷ lệ cấp tín dụng không vượt quá 5% vốn điều lệ để đảm bảo kiểm soát rủi ro.