Sáng ngày 15/12, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) tiến hành họp ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2020 để lấy ý kiến chủ trương đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 1. Số cổ đông tham dự là 56, đại diện cho 96,87% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, đại hội đủ điều kiện tiến hành.
Theo ACV, thị trường hàng không tại miền Nam đang tăng trưởng nhanh, dự báo sản lượng hành khách tại khu vực TP HCM vào khoảng 65 triệu lượt vào năm 2025; trong đó tại Tân Sơn Nhất là 42 triệu lượt và 23 triệu lượt ở Long Thành.
Đến năm 2030, ước tính sản lượng ở TP HCM có thể tăng lên 88 triệu hành khách; trong đó tại Tân Sơn Nhất là 55 triệu lượt và 33triệu lượt ở Long Thành. Hiện sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải nên ACV cho rằng việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành là yêu cầu cấp bách và cần thiết.
Ngày 11/11, Thủ tướng đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành giai đoạn 1. Trong đó, ACV được giao làm chủ đầu tư Dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu trong cảng hàng không); triển khai các bước tiếp theo theo quy định để đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện và hiệu quả đầu tư dự án…
Các hạng mục dự kiến của sân bay là xây dựng cất hạ cánh số 1, xây dựng 1 nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách/năm, 1 đài kiểm soát không lưu, 1 nhà xe, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn/năm, nhà ăn…
Dự án có tổng mức đầu tư 99.019 tỷ đòng, trong đó vốn chủ sở hữu ACV tối thiểu 36.102 tỷ đồng. Phần còn lại sử dụng vốn vay (không sử dụng bảo lãnh Chính phủ) và các nguồn vốn hợp pháp khác. Trường hợp tăng vốn chủ sở hữu ACV thì phải thực hiện giảm tương ứng chi phí vốn vay và các chi phí liên quan dự kiến huy động từ các nguồn khác.
Hiện nay ACV đang có vốn điều lệ 21.772 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 37.291 tỷ đồng tính đến 30/9/2020.
Phần thảo luận, Tổng giám đốc Vũ Thế Phiệt trả lời các câu hỏi.
Tiến độ dự án và nguồn vốn huy động cho dự án Long Thành lấy từ đâu? Lãi suất trên thế giới đang thấp, công ty có thể chia sẻ mức lãi suất đang đàm phán?
Thủ tướng giao dự án thành phần 3 với tổng mức đầu tư hơn 99.000 tỷ đồng, chúng tôi xem đây là dự án ưu tiên số 1. Trong đó chúng tôi đã chắc chắn dành hơn 36.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu cho dự án này. Phần còn lại, chúng tôi xây dựng các phương án huy động vốn trên cơ sở dòng tiền và tiến độ dự án.
Các phương án kể cả tăng vốn điều lệ, phát hành trái phiếu… hiện vẫn đang cân nhắc làm. Tuy nhiên, nhiều tổ chức tài chính có quan tâm và ký cam kết tài trợ đến 5-6 tỷ USD cho dự án này.
Đây là thời điểm vàng huy động vốn bởi lãi suất thấp, chúng tôi sẽ tính toán thời điểm theo đúng tiến độ dự án. Hàng năm báo cáo cụ thể hơn bởi hiện nay mới là bước khởi đầu.
Tiến độ dự án, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2025, chúng tôi phấn đấu cao nhất để đạt được tiến độ này. Hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi như huy động mặt bằng, nguồn vốn… đang ủng hộ cho ACV.
Được gỡ cơ chế khu bay thì kế hoạch và ý chí niêm yết của ACV ra sao?
Bộ Giao thông vận tải đang triển khai quyết định này. Về hiện trạng, đây vẫn là tài sản nhà nước và ACV chỉ được giao khai thác. Kiểm toán năm nay vẫn đưa ý kiến ngoại trừ và thực hiện báo cáo riêng. Vấn đề khu bay nếu được giải quyết trong năm 2021 thì các tài sản khu bay sẽ được hạch toán vào doanh thu ACV nhưng tách riêng lợi nhuận để nộp lại cho nhà nước. Bộ cùng tính toán tăng phần vốn khu bay vào ACV.
Vấn đề cơ chế khu bay chắc chắn vẫn còn trong báo cáo tài chính năm 2020 vì bây giờ mới bắt đầu triển khai đề án nay. Chính phủ cũng rất quyết tâm chỉ đạo doanh nghiệp không được chậm trong niêm yết, nhưng chỉ niêm yết khi đủ điều kiện.
Chúng tôi sẽ báo cáo thêm về lộ trình niêm yết trong ĐHĐCĐ thường niên gần nhất về các vấn đề còn vướng mặt như định hướng khu bay và quyết toán cổ phần hóa.
Tăng phí nhượng quyền khai thác sân bay Đà Nẵng và Cam Ranh đã thực hiện chưa?
Vấn đề nhượng quyền khai thác chúng tôi đã có báo cáo cơ quan, tính toán trên cơ sở công suất các sân bay. Tuy nhiên do bức tranh kinh tế năm nay nên các nhà ga này tạm dừng đóng cửa ảnh hưởng đến tiến độ, chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán để thống nhất mức nhượng quyền.
Ý chí của Chính phủ về mở lại đường bay quốc tế? Triển vọng kinh doanh?
Với nhiều tình hình khả quan như hiện nay, chúng tôi sẽ phấn đấu trên tình thần cao nhất, mục tiêu vượt kế hoạch lợi nhuận năm bằng nhiều giải pháp khác nhau.
Vấn đề mở đường bay quốc tế thì chúng tôi luôn ý thức có quốc tế mới có sinh lợi cho ACV nên vẫn thuyết phục Nhà nước.
Tại dự án Long Thành, công ty có xây đường cất hạ cánh thì sẽ được tính toán ra sao? Tính hiệu quả của dự án?
Khi chúng tôi đầu tư thì đó là tài sản của ACV nên sẽ được hạch toán vào báo cáo.
Dự án sân bay Long Thành có hiệu quả cao với thời gian hoàn vốn 12 năm 2 tháng. Riêng Dự án thành phần 3 có tỷ suất sinh lời nội bộ (IRR) là khoảng 16%.
Kết quả biểu quyết đã thông qua việc đầu tư Dự án thành phần 3 - Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 do ACV làm chủ đầu tư, định kỳ báo cáo hàng năm cho ĐHĐCĐ kết quả tình hình triển khai dự án.