Hé mở loạt 'tay chơi' lớn tại Vincom Retail

Trong 4 pháp nhân sở hữu 55% vốn SDI (đơn vị nắm 41,5% vốn Vincom Retail), ngoài doanh nhân Nguyễn Hoài Nam Berjaya, xuất hiện thêm những cái tên có nhiều liên hệ tới nhóm doanh nhân gốc Đông Âu.

He mo loat 'tay choi' lon tai Vincom Retail

Lộ diện những tân cổ đông tại Vincom Retail. Ảnh: Vingroup.

Ngày 5/4 vừa qua, Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) thông báo đã hoàn tất chuyển nhượng 55% vốn điều lệ Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI (SDI) - đơn vị sở hữu 41,5% vốn Vincom Retail (gián tiếp thông qua công ty con là CTCP Kinh doanh thương mại Sado).

Sau giao dịch, Vingroup vẫn là cổ đông lớn thứ hai khi sở hữu trực tiếp 18,4% vốn Vincom Retail.

Dữ liệu cho thấy, có 4 tổ chức trong cùng ngày 4/4/2024 mua vào 55% vốn SDI, gồm: CTCP Đầu tư Kinh doanh NP (16%), CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Thiên Phúc (16%), CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Falcon (12,5%) và CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Emerald (10,5%).

Đáng chú ý, trước đó vào ngày 29/3/2024, cả Đầu tư Kinh doanh NP và Thiên Phúc đã thế chấp tại Techcombank các hợp đồng chuyển nhượng 16% vốn SDI từ CTCP Thương mại và Kinh doanh Ngọc Việt.

Như từng đề cập, CTCP Đầu tư Kinh doanh NP là doanh nghiệp liên quan đến doanh nhân Nguyễn Hoài Nam. Công ty này thành lập vào tháng 12/2023, vốn điều lệ 505 tỷ đồng với các cổ đông gồm: Công ty TNHH Đầu tư NP (5%), ông Nguyễn Hoài Nam (90%), và ông Phương Anh Phát (5%). Ông Phương Anh Phát (SN 1971) hiện là Tổng Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật công ty.

Chưa dừng lại ở đó, ông Phương Anh Phát tiếp tục hiện diện tại CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát Triển Emerald – cổ đông nắm 10,5% vốn SDI, với vai trò cổ đông lớn nhất sở hữu 90% vốn (tại thời điểm tháng 3/2024).

Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam đang giữ chức Tổng giám đốc của Berjaya Việt Nam và vừa qua đã ứng cử vào ghế HĐQT của Vincom Retail nhiệm kỳ mới.

Bộ đôi doanh nhân họ Nguyễn – họ Phương đã đồng hành với nhau khi cùng là lãnh đạo cấp cao tại loạt doanh nghiệp như CTCP Chứng khoán SaigonBank Berjaya (cùng từ nhiệm vào ngày 17/11/2023), Công ty TNHH Berjaya-D2D, hay nổi bật nhất là cùng góp vốn ở Công ty TNHH JVA Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Thương mại JVA – nhóm doanh nghiệp phân phối xe jeep tại Việt Nam.

Nhóm "JVA" còn tiếp tục hiện diện ở tân cổ đông thứ ba của SDI - CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Falcon (sở hữu 12,5% vốn). Tại thời điểm tháng 3/2024, bà Nguyễn Thị Thanh Châu là cổ đông sở hữu 48,5% vốn Falcon. Bà Châu cũng là một “mắt xích” thuộc cùng nhóm các ông Nguyễn Hoài Nam – Phương Anh Phát.

Ở một chi tiết ít người để ý, cổ đông lớn nhất nắm 49,5% vốn Falcon là một cựu "banker", người có nhiều duyên nợ với nhóm doanh nhân Đông Âu VIC - TCB. 

Với pháp nhân Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh và Phát triển Thiên Phúc, các cổ đông công ty này tại ngày 25/3/2024 gồm ông Huỳnh Thanh Trúc (49%), ông Lương Phan Sơn (36%) và ông Huỳnh Thiên Phúc (15%).

Trong đó, ông Sơn từng là Thành viên HĐQT của VPBank từ tháng 4/2012 đến tháng 10/2012 và từ tháng 4/2013 đến tháng 4/2017. Rời VPBank, ông bắt đầu cơ nghiệp kinh doanh riêng khi lập ra loạt công ty thực hiện những thương vụ M&A bất động sản có quy mô lớn. Hiện tại, ông Sơn đang đứng tên tại Công ty TNHH Capitaland Tower – chủ đầu tư dự án The Sun Tower, hay còn được gọi là Landmark 60 Bason, nằm bên cạnh sông Sài Gòn, khu cảng Ba Son, Quận 1, TP HCM.

Trong năm 2023, từ 25/7 – 11/8, Capitaland Tower đã huy động về tổng cộng gần 12.240 tỷ đồng từ kênh trái phiếu thông qua 4 đợt phát hành. Các lô trái phiếu này đều có jỳ hạn phát hành 60 tháng. Tổ chức lưu ký là CTCP Chứng khoán Kỹ thương Việt Nam.

Vingroup có thể lãi 21.000 tỷ từ thương vụ thoái vốn khỏi Vincom Retail

Trong một báo cáo mới phát hành, CTCP Chứng khoán Vietcap tiết lộ Vingroup có thể chuyển nhượng 100% vốn của SDI với giá rơi vào khoảng hơn 39.000 tỷ đồng. Mức giá này bao gồm số cổ phần sở hữu thực tế của SDI tại Vincom Retail, (tương đương định giá ở mức 32.000 đồng/CP). Mức giá này cao hơn gần 30% so với mức giá hiện tại trên sàn của VRE trên sàn chứng khoán là 24.700 đồng/CP.

Giá chuyển nhượng này bao gồm phần sở hữu thực tế tại Vincom Retail và quyền hưởng lợi ích cổ đông thiểu số tại hai dự án bất động sản Vũ Yên và Hạ Long Xanh. Vietcap cũng cho biết Vingroup dự kiến ghi nhận lợi nhuận trước thuế 21.520 tỷ đồng từ giao dịch thoái vốn này. Đây là giao dịch bằng tiền và sẽ được ghi nhận vào bảng cân đối kế toán của Vingroup khi nhận tiền.

Theo nhận định của VietCap, số tiền dự kiến thu được từ giao dịch thoái vốn này có thể giúp hỗ trợ Vingroup giải quyết nhu cầu vốn trong năm 2024. VietCap cũng kỳ vọng hoạt động của các trung tâm thương mại (TTTM) hiện hữu của VRE và kế hoạch ra mắt TTTM trong giai đoạn 2024-25 (đã bắt đầu xây dựng) sẽ không bị ảnh hưởng.

Theo Huy Ngọc/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN