Đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh kể từ thời điểm đầu năm 2020 như một cú đánh mạnh vào kinh tế toàn cầu. Hàng không là một những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, thiệt hại của ngành có thể lên tới 113 tỷ USD trong năm nay.
Ở Việt Nam, hôm 27/2, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng công bố mức dự báo tổn thất doanh thu với riêng các hãng vận tải hàng không khoảng 25.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với diễn biến dịch bệnh đang lây lan như hiện nay, nhiều khả năng, những con số dự báo nói trên sẽ sớm trở nên lỗi thời nếu như COVID-19 không sớm được kiểm soát tốt.
Tệ hơn là thông tin Hãng hàng không khu vực Flybe của Anh ngày 5/3 đã tuyên bố phá sản, trở thành nạn nhân đầu tiên trước sự giảm sút nhu cầu đi lại do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Trong giai đoạn khó khăn của mùa dịch Covid-19, Đại diện Đoàn tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết có khoảng 700 nhân viên tình nguyện không nhận lương chức danh, xin nghỉ không hưởng lương để cùng chung tay với hãng bay vượt qua khó khăn.
Theo PLO, ông Phan Ngọc Linh, Đoàn trưởng Đoàn tiếp viên Hãng hàng không Vietnam Airlines thông tin có khoảng 700/3.200 tiếp viên tự nguyện đăng ký không nhận lương chức danh như một sự chung tay để giảm chi phí chung. Trong đó có nhiều cách chia sẻ khác nhau như nghỉ luân phiên phục vụ các chuyến bay, nghỉ không nhận lương.
Ông Linh cũng cho hay dù tần suất khai thác giảm, tuy nhiên hãng sẽ không sa thải bất cứ lao động nào trong bối cảnh khó khăn lúc này.
Người phụ trách nhân sự của đoàn tiếp viên bật mí, lương chức danh hiện chiếm 1/4 thu nhập của tiếp viên, khoảng 7-8 triệu đồng/tháng.
Trước đó, tại cuộc họp với Ủy Ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành đánh giá dịch Covid-19 ảnh hưởng chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không.
Ông Thành cho biết tại tổng công ty, lãnh đạo cấp cao trong Hội đồng quản trị, lãnh đạo tổng công ty sẽ giảm lương 40%, cấp dưới hơn là 30%, dưới nữa là 20%. Riêng nhân viên chưa áp dụng giảm lương nhưng sẽ nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương.
|
Hàng không gặp khó giữa đại dịch Covid-19. |
Bộ GTVT đề xuất giảm giá dịch vụ hàng không ứng phó dịch Covid-19
Vừa mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét hỗ trợ miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn ba tháng.
Trường hợp cân đối ngân sách gặp khó khăn, Bộ GTVT đề nghị thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đồng thời cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.
Theo thống kê của Bộ GTVT, từ cuối tháng 1/2020 đến nay, các hãng hàng không đã dừng, giảm tần suất hàng loạt chuyến bay. Cụ thể, cắt toàn bộ chuyến bay Trung Quốc, Hàn Quốc; cắt giảm 25% số chuyến bay Đài Loan (còn 172 chuyến/tuần so với 231 chuyến/tuần), trong đó các hãng Việt Nam cắt giảm 34% chuyến bay (còn 99 chuyến/tuần so với 151 chuyến/tuần cuối năm 2019).
Đường bay Hong Kong đã cắt giảm 69% số chuyến bay (còn 36 chuyến/tuần so với 115 chuyến/tuần), trong đó các hãng Việt Nam gần như cắt hoàn toàn (92%), chỉ còn Vietnam Airlines bay 4 chuyến/tuần (còn 4 chuyến/tuần so với 47 chuyến/tuần cuối năm 2019).
Đường bay Nhật Bản hiện chưa cắt giảm chuyến bay (vẫn giữ 160 chuyến/tuần), nhưng các hãng hàng không đang đánh giá tình hình và khả năng cao sẽ phải cắt giảm trong giai đoạn tới.
Trên cơ sở số liệu vận chuyển cập nhật, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) đánh giá trường hợp khả quan nhất, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4/2020, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so 2019. Trong đó các hãng Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3 %) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2 % so cùng kỳ).
Trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6 % so 2019. Trong đó các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2 %) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17 % so cùng kỳ).