HAGL Agrico làm gì để kết thúc chuỗi thua lỗ khiến cổ phiếu bị kiểm soát?

Ngày 20/4, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG) đã có giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát. 
Theo HNG, trong 2 năm 2021 và 2022, bối cảnh thế giới đối diện với những thách thức về dịch bệnh Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng và lạm phát tăng cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp nói chung và lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của HNG nói riêng.
Trong đó giá các loại vật tư nông nghiệp, phân bón, bao bì đóng gói và cước phí vận chuyển tăng cao, tình trạng các hãng tàu thường xuyên huỷ chuyến và kéo dài thời gian vận chuyển, Chính phủ Trung Quốc siết chặt việc kiểm soát hàng hoá nhập khẩu để phòng chống dịch, thời gian thông quan tại các cảng kéo dài làm tăng chi phí và giảm chất lượng trái cây.
Bên cạnh đó, Chính phủ Lào quy định giãn cách để phòng chống dịch Covid dẫn đến các nông trường thiếu công nhân làm cho các vườn cây thiếu chăm sóc, tăng dịch bệnh, bỏ hơn 30% sản lượng trái cây không thu hoạch kịp thời. Cộng thêm tình hình mưa lũ gây ngập lụt, đổ ngã, làm thiệt hại một số vườn cây thuộc dự án của công ty.
Do đó, năm 2021 HNG chỉ. đạt 1.199 tỷ doanh thu thuần và lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh 304 tỷ đồng. Sang năm 2022, doanh thu cũng chỉ đạt 43% kế hoạch khi ở mức 742 tỷ đồng và lỗ nặng lên 1.308 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong năm 2021 và 2022, HNG đã ghi nhận các khoản chi phí phát sinh từ 2020 trở về trước lần lượt là 815 tỷ và 2.142 tỷ đồng.
Vì vậy năm 2021 và 2022 lỗ hợp nhất kiểm toán lần lượt là 1.119 tỷ và 3.576 tỷ đồng.  
HAGL Agrico lam gi de ket thuc chuoi thua lo khien co phieu bi kiem soat?
 
Trước tình hình trên, HNG đề ra chiến lược sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên nền tảng hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ sinh học và số hoá theo lộ trình phù hợp.
Chiến lược sản xuất kinh doanh giai đoạn tới của HNG tập trung vào mục tiêu như tổ chức mô hình khu liên hợp sản xuất trồng trọt và chăn nuôi khép kín, quy hoạch các vùng chuyên canh cây ăn trái; cây cao su và cây lâm nghiệp; chăn nuôi bò sinh sản bán chăn thả.
Đồng thời đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, điện, thuỷ lợi, tuyến đê bao chống ngập nhằm hạn chế thiệt hại từ ngập lụt do mưa lớn; Đầu tư xây dựng các công trình trên đất như xưởng đóng gói, tổng kho, nhà máy sản xuất chế biến trái cây, nhà ở công nhân; Đầu tư mua sắm máy móc thiết bị cơ giới hóa.
Ngoài ra, HNG cũng trồng mới và chăm sóc diện tích cây ăn trái chủ lực như chuối, dứa, xoài. Tiếp tục từng bước chuyển đổi các vườn cây ăn trái và cao su không hiệu quả sang trồng chuối, dứa và chăn nuôi bò.
HNG còn nuôi bò sinh sản theo hình thức đồng cỏ bán chăn thả, đồng cỏ tập trung; Sản xuất phân hữu cơ cung cấp cho các nông trường cây ăn trái.
Với chiến lược này, HNG tin tưởng vào sự phát triển bền vững và tạo ra lợi nhuận trong các năm tiếp theo, từ đó từng bước giảm các khoản lỗ luỹ kế trên báo cáo tài chính trong thời gian ngắn nhất. 
Đến thời điểm 31/12/2022 tổng diện tích cây ăn trái hiện hữu của HNG là 7.721 ha. Chuối là cây trồng chủ lực trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tạo ra doanh thu của HNG, diện tích chuối chăm sóc và thu hoạch là 4.430 ha, cây ăn trái khác là 3.291 ha (gồm xoài, dứa và cây ăn trái khác). Cùng với đó Công ty đang khai thác 6.800 ha cao su trên tổng diện tích chăm sóc 15.895 ha cũng đang mang lại doanh thu.
Trong năm HNG tiếp tục làm việc với BIDV, Hoàng Anh Gia Lai (HAG), thống nhất kế hoạch thanh toán nợ và bàn giao các tài sản đảm bảo sở hữu chéo. Theo đó, HNG đã hoàn tất trả nợ đợt 1 cho HAG, số tiền 600 tỷ đồng, nhận lại quyền sử dụng đất diện tích 9.470 hecta và các tài sản trên đất thuộc sở hữu của Công ty TNHH Hoàng Anh Andoung Meas (đã chuyển nhượng cho CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thaco Agri).
Đồng thời làm việc với Ngân hàng hữu nghị Lào Việt để thực hiện tái cơ cấu lại các khoản nợ tại ngân hàng này. Vay vốn từ Thaco Agri để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thanh toán các khoản nợ ngân hàng đến hạn.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN