Gemadept: Lợi nhuận 6 tháng ước đạt 716 tỷ, kế hoạch 2024 thận trọng

Theo chia sẻ của Ban lãnh đạo GMD, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh ước tính hoàn thành 53% kế hoạch năm 2024, đạt 716 tỷ đồng (tăng 10% so cùng kỳ), tương ứng hoàn thành 42% dự phóng của VDSC.
Lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh 6 tháng ước đạt 716 tỷ đồng, kế hoạch thận trọng cho năm 2024
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo phân tích CTCP Gemadept (HoSE: GMD). Theo đó, trong quý 2/2024, sản lượng thông qua hai cảng Nam Đình Vũ là 305 nghìn TEU, tăng 10% so quý trước và 10% so cùng kỳ; còn cảng Gemalink là 454 nghìn TEU, tăng 30% so quý trước và 91% so cùng kỳ.
Cụ thể, Cảng Nam Đình Vũ ghi nhận số lượng tàu cập cảng trong quý 2/2024 là 217 chuyến, giảm 6 chuyến so với quý trước và nhiều hơn 26 chuyến so với cùng kỳ. Mỗi tuần có trung bình 17 lượt tàu cập cảng. Trong giai đoạn này, cảng Nam Đình Vũ bị mất một tuyến dịch vụ từ Gemadept Shipping, chuyển dịch về cảng Nam Hải (GMD đã chuyển nhượng vốn cho Vietsun) để khai thác. Sản lượng trung bình là 1.400 TEU/chuyến, tăng 23% so cùng kỳ.
Còn cảng Gemalink có 74 chuyến tàu mẹ cập cảng trong quý 2/2024, trung bình mỗi tuần có 6 chuyến giảm một chuyến so với quý trước và nhiều hơn một chuyến so với cùng kỳ. Mặc dù, lượt tàu cập cảng có giảm sút nhưng nhu cầu xuất nhập khẩu cao hơn so với kỳ vọng của VDSC, được thể hiện thông qua sản lượng trung bình đạt 6.100 TEU/chuyến, tăng 57% so cùng kỳ.
Về hoạt động của đội tàu, GMD đang có 4 tàu thủy nội địa, trong đó tỷ lệ cho thuê và tự vận hành là 50:50. Dù cho giá cước vận tải biển quốc tế tăng nhanh trong quý 2/2024 nhưng giá cước nội địa không tăng đáng kể và giá cước cho thuê tàu tương đối thấp. GMD không được hưởng lợi nhiều từ giá cước vận tải như giai đoạn 2022.
Lũy kế 6 tháng 2024, sản lượng container thông qua cảng Nam Đình Vũ và Gemalink lần lượt là 582 nghìn TEU (tăng 12% so cùng kỳ) và 804 nghìn TEU (tăng 97% so cùng kỳ) tương ứng hoàn thành 48%/56% dự phóng của VDSC.
Theo chia sẻ của Ban lãnh đạo GMD, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh ước tính hoàn thành 53% kế hoạch năm 2024, đạt 716 tỷ đồng (tăng 10% so cùng kỳ), tương ứng hoàn thành 42% dự phóng của VDSC.
Trong khi đó, GMD đưa ra kết hoạch năm 2024 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 4.000 tỷ đồng (tăng 4% so cùng kỳ) và 1.686 tỷ đồng (giảm 33% so cùng kỳ), trong đó hoạt động kinh doanh cốt lõi đạt 1.350 tỷ đồng (tăng 4% so cùng kỳ)
Gemadept: Loi nhuan 6 thang uoc dat 716 ty, ke hoach 2024 than trong
 
Huy động 3.000 tỷ từ chào bán cổ phiếu để rót vốn vào cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3
Vừa qua, ĐHCĐ của GMD đã thông qua kế hoạch tăng vốn thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ phát hành 3:1 và giá chào bán 29.000 đồng/cổ phiếu. Dự kiến tổng số tiền thu được từ đợt chào bán là 3.000 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán dùng để tăng vốn góp và xây dựng cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3. 
Dự kiến tháng 7/2024 sẽ triển khai xây dựng giai đoạn 3 Cảng Nam Đình Vũ và đưa vào khai thác vào tháng 12/2025. Dự án nạo vét kênh Hà Nam cũng chuẩn bị hoàn thành, qua đó nâng tổng công suất thiết kế tại cảng Nam Đình Vũ lên 2 triệu TEU/năm.
Giai đoạn 3 đi vào hoạt động sẽ đóng góp thêm mới khoảng 350 – 400 nghìn TEU vào năm 2026, và sẽ tối đa công suất của cả cụm cảng trong năm 2027. Ngoài ra, cảng Nam Đình Vũ sẽ có thêm dịch vụ các mặt hàng đặc biệt, hàng dự án, dự kiến đóng góp 10% sản lượng và doanh thu cho cảng Nam Đình Vũ.
Mặc dù dự án nạo vét kênh Hà Nam sẽ giúp cho các hãng tàu hiện tại tối ưu hơn trong việc xếp dỡ hàng hóa ra vào cảng nhưng GMD sẽ gặp nhiều thử thách để gia tăng sản lượng tại cảng Nam Đình Vũ bởi việc mất một tuyến dịch vụ và cảng nước sâu Lạch Huyện bến 3&4 đi vào hoạt động trong năm 2025 sẽ làm cạnh tranh tại khu vực Hải Phòng thêm gay gắt hơn.
Đối với cảng Gemalink được chia làm hai giai đoạn 2A và 2B, tổng mức đầu tư cho hai giai đoạn lần lượt là 100 triệu USD và 200 triệu USD. Dự kiến triển khai xây dựng giai đoạn 2A vào quý 2/2025, công suất thiết kế là 600 nghìn TEU/năm. Dự kiến sản lượng giai đoạn 2A sẽ đạt 70 – 75% công suất thiết kế vào năm 2027 và hoạt động tối đa công suất vào năm 2028. Giai đoạn 2B của cảng Gemalimk được lên kế hoạch triển khai khi giai đoạn 2A hoạt động được 80% công suất. 
Nhu cầu xuất nhập khẩu tăng nhanh sẽ là động lực tăng trưởng cho nửa cuối năm 2024
Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng mạnh lên 54,7 điểm. Báo cáo tháng 6/2024 của S&P Global cho biết số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/2022. Sự kiện căng thẳng tại Biển Đỏ, xu hướng gia tăng trọng tải tàu của các hãng vận chuyển đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn tại một số cảng ở Châu Á. Đây là một trong số nguyên nhân dẫn đến giá cước vận tải biển tăng nhanh kể từ tháng 5/2024.
Giá cước vận tải biển tăng nhanh cũng sẽ tác động ngược trở lại đối với các bên tham gia chuỗi cung ứng. Nhà sản xuất và bên mua hàng có thể đẩy nhanh hoạt động xuất nhập khẩu nhằm phòng ngừa rủi ro giá cước vận tải container đường biển tiếp tục leo thang.
VDSC cho rằng, những yếu tố trên cũng là tác nhân dẫn đến việc giảm số chuyến tàu cập cảng của GMD nhưng sản lượng container thông qua vẫn tăng trưởng nhanh và xu hướng dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong nửa cuối năm 2024.
Mặc dù, số chuyến tàu mỗi tuần tới hệ thống cảng của GMD bị giảm sút nhưng bù lại lượng hàng hóa trung bình tăng trưởng cao hơn so với kỳ vọng của chúng tôi, dẫn tới tổng sản lượng container thông quan đang phù hợp với dự báo trước đó. Do đó, VDSC duy trì dự phóng cho năm 2024, sản lượng thông qua cảng Nam Đình Vũ và Gemalink lần lượt là 1.203 nghìn TEU (tăng 9% so cùng kỳ) và 1.440 nghìn TEU (tăng 41% so cùng kỳ). Dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (loại trừ các khoản thu nhập bất thường) lần lượt là 4.154 tỷ đồng (tăng 8% so cùng kỳ) và 1.200 tỷ đồng (tăng 58% so cùng kỳ).
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN