Tại Đại hội, kế hoạch kinh doanh ban đầu cho doanh thu 2020 đạt 32.450 tỷ đồng, tăng 17%; lợi nhuận trước thuế tăng 18% đạt 5.510 tỷ đồng đã được phê duyệt.
Lãnh đạo FPT cho hay trong bối cảnh dịch bệnh, khả năng điều chỉnh kế hoạch là rất cao nhưng rất khó để điều chỉnh kế hoạch cả năm. FPT đang đặt ra các kịch bản kinh doanh khác nhau, tùy tình hình dịch bệnh mà ứng phó.
Phía FPT cho biết dự kiến kế hoạch kinh doanh quý 2/2020 sẽ giảm khoảng 15% so với kế hoạch ban đầu. Hiện tại, Công ty đang đưa ra kế hoạch kinh doanh theo từng quý và bám sát.
Riêng trong năm 2019, FPT thực hiện được 27.717 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 19% so với năm trước. Lãi trước và sau thuế cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 4.665 tỷ đồng và 3.135 tỷ đồng, đều tăng khoảng 21%.
Năm 2019, FPT trả cổ tức với tỷ lệ 35%, trong đó 20% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu và dự kiến trả cổ tức 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%.
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết mảng tự động hóa lập trình đang đứng số 1 Nhật Bản và đứng thứ 5 toàn cầu. Năm ngoái, FPT mới tham gia mảng này với doanh thu chỉ có 3 triệu USD thì năm 2020 dự kiến mức này lên đến 21 triệu USD.
Theo ông Bình, cú hích của COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi 4.0 nhanh chưa từng có. Tâm trạng lo lắng sợ hãi đang lan truyền và ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, các doanh nghiệp sẽ phá sản, người lao động thất nghiệp.
|
Ông Trương Gia Bình phát biểu tại ĐHĐCĐ 2020. Nguồn: FPT. |
Tuy nhiên, FPT không sợ hãi mà đối diện với thách thức để trở thành mạnh hơn sau dịch. Để làm điều này, mỗi người làm việc bằng 2, mỗi người là một pháo đài, con người FPT vừa chống dịch vừa bảo vệ doanh nghiệp vừa bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động.
Công ty tìm cơ hội trong dịch COVID-19. Với quốc tế, các đối tác sẽ xem xét lại quốc gia, công ty quản trị tốt trong chống dịch và Việt Nam hay FPT là đối tượng sáng giá. FPT đã thắng tổng thầu quản lý ủy thác phần mềm cho tập đoàn tại Mỹ, quy mô cỡ 100 triệu USD. FPT cũng đã làm việc được với các hàng thiết vị y tế, sản xuất xe máy và công ty tài chính.
Ông Nguyễn Thế Phương - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc tài chính của FPT cho biết doanh thu quý 1 tăng 16%, lợi nhuận tăng 19% so với cùng kỳ 2019. Nếu tính trên tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế, con số của quý 1 ước đạt khoảng 6.580 tỷ đồng và 1.142 tỷ đồng.
Với mảng giáo dục, năm 2019, FPT đầu tư khoảng 500 tỷ, chủ yếu phát triển cơ sở mới tại TP. HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng. Dự kiến năm 2020 cũng sẽ đầu tư khoảng 500-700 tỷ nữa. Tỷ suất sinh lời mảng giáo dục tương đương mức sinh lời bình quân toàn tập đoàn.
Liên quan đến việc tăng sở hữu tại FPT Telecom, lãnh đạo FPT thông tin rằng trong tương lai gần, SCIC chưa có chủ trương thoái vốn, do đó cơ hội chưa có dù FPT từ lâu đã mong muốn tăng cổ phần tại FPT Telecom.
Đối với chi phí nhân sự, đại diện FPT cho biết hiện chi phí kỹ sư của Việt Nam so với Ấn Độ thấp hơn từ 10-25% tùy từng cấp độ kỹ sư khác nhau.Tuy nhiên khó khăn ngắn hạn là mức độ lạm phát tiền lương kỹ sư phần mềm khá lớn, dù vậy cũng phản ánh xu hướng phát triển của ngành này. Nếu nguồn cung được gia tăng nhanh từ phía đại học thì sẽ làm giảm tốc độ lạm phát tiền lương trong ngành.