DPM có sử dụng hiệu quả lượng tiền mặt đang 'chất đống'?

Tại Tổng CTCP Phân bón và Hoá chất Dầu khí (HoSE: DPM), hoạt động kinh doanh hiệu quả, giá cổ phiếu tăng vọt nhưng một vấn đề còn đang nan giải đó là việc sử dụng lượng tiền mặt chưa thực sự hiệu quả.

Cổ phiếu nổi sóng trong thời gian gần đây

 Được mệnh danh là cổ phiếu phòng thủ, nhóm cổ phiếu phân bón đã thể hiện đúng chất “phòng thủ” như vậy trong thời gian qua.

Tính từ đầu năm, mức tăng bình quân chung của toàn thị trường đã trên 15%, thậm chí phần lớn cổ phiếu trên thị trường có mức tăng giá vượt trội so với mức bình quân chung thì nhóm cổ phiếu ngành phân bón vẫn giao dịch kém sôi động.

Tuy nhiên trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu DPM có những tính hiệu rục rịch tăng giá. Đặc biệt, cổ phiếu DPM cũng nới biên độ tăng lên mức giá trần và duy trì vị trí khớp lệnh cao nhất sàn trong phiên giao dịch ngày 21/8, cũng chính là ngày mà doanh nghiệp phân bón này thanh toán cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 7%.

DPM co su dung hieu qua luong tien mat dang 'chat dong'?
 Cổ phiếu DPM nổi sóng trong những phiên gần đây.

Cụ thể, DPM kết phiên tại mức giá trần 15.400 đồng/cp, tăng gần 15% trong vòng 3 tháng qua, khối lượng khớp lệnh lên đến 13 triệu đơn vị.

Các chuyên gia cho rằng sự tăng giá của DPM là hợp lý vì cổ phiếu này không tăng trong thời gian trước đó. Khi thị trường đã cao thì nhà đầu tư mới bắt đầu chú ý về những cổ phiếu cơ bản có thị giá thấp so với thu nhập trên mỗi cổ phần (P/E). Cụ thể vào cuối quý 2, chỉ số P/E của DPM vẫn chỉ ở mức 7,5 lần.

Ngoài ra, đây cũng là những doanh nghiệp có tình hình kinh doanh ổn định, nợ ít, cổ tức tiền mặt được chia đều đặn hàng năm có thể là yếu tố đã thúc đẩy dòng vốn mua vào.

Thắng lợi lớn trong hoạt động kinh doanh

Nói về hoạt động kinh doanh, đúng là trong quý 2 vừa rồi, DPM báo lãi khá lớn trong khi nhiều doanh nghiệp “đau đầu” vì Covid-19.

Cụ thể, doanh thu thuần trong quý 2 tăng 13% lên mức 2.178 tỷ đồng. Kiểm soát tốt giá vốn nên kỳ này giá vốn của DPM xấp xỉ cùng kỳ với 1.608 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận gộp đạt tới 570 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên cải thiện từ 13,5% của cùng kỳ lên tới 26,1%.

Thêm vào đó, doanh thu tài chính kỳ này cải thiện lên hơn 41 tỷ đồng, tăng 32% so cùng kỳ. Trong khi đó chi phí tài chính cũng giảm đáng kể 20% về còn gần 22 tỷ đồng.

Ngoài ra, DPM còn ghi nhận 948 triệu đồng lợi nhuận từ liên doanh liên kết, gấp hơn 7 lần cùng kỳ. 

Chi phí quản lý cũng được cắt giảm 20% về mức 92 tỷ đồng. Sau cùng, lợi nhuận sau thuế của DPM quý 2 đạt tới gần 303 tỷ đồng, gấp gần 10 lần cùng kỳ.

Theo DPM, sở dĩ lợi nhuận kỳ này tăng mạnh do giá khí là nguyên liệu đầu vào chính của sản phẩm Đạm Phú Mỹ nên khi giá khí quý 2/2020 giảm so với với quý 2/2019 đã làm cho giá thành sản phẩm giảm.

Bên cạnh đó sản lượng hàng bán ure Đạm Phú Mỹ tăng so với cùng kỳ tới 83% làm cho lợi nhuận tăng tương ứng.

Luỹ kế 6 tháng, doanh thu thuần của DPM ghi nhận 3.875 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 11% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế gần 408 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ. 

Năm 2020, DPM đặt mục tiêu doanh thu 9.237 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 513 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 6 tháng, DPM đã thực hiện được 42% kế hoạch doanh thu và 96% về lợi nhuận.

DPM co su dung hieu qua luong tien mat dang 'chat dong'?-Hinh-2
 

Có đang lãng phí về dòng tiền?

Bên cạnh hoạt động kinh doanh khá tốt và giá cổ phiếu tăng vọt trong thời gian gần đây, nhìn rộng hơn trong cơ cấu tài sản của DPM thì có thể thấy doanh nghiệp phân bón này trữ khá nhiều tiền mà chưa có phương án sử dụng hiệu quả.

Tại thời điểm 30/6/2020, số dư tiền và các khoản tương đương tiền cùng với khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của DPM là 4.456 tỷ đồng. Đây là nhóm tài sản có giá trị lớn nhất chiếm tới 66% trong khối tài sản sản ngắn hạn của Công ty. Tổng nợ phải trả chỉ ở mức 3.356 tỷ đồng, nhỏ hơn khoản tiền mặt hiện có của doanh nghiệp.

Với nguồn tiền lớn như trên, DPM hoàn toàn có khả năng thanh toán các khoản nợ hoặc thực hiện các nghĩa vụ chi trả cổ tức cho cổ đông một cách nhanh chóng. Tuy vậy, việc giữ nguồn tiền như vậy có thể gây lãng phí khi DPM chưa sử dụng thật sự tối ưu hiệu quả của nó.

Theo kế hoạch đầu tư năm 2020 dự kiến chỉ dành số tiền đầu tư khoảng 107 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản dự chi cho mua sắm thêm tài sản cố định và trang thiết bị. Số tiền dự chi cho đầu tư năm 2020 của Công ty theo đó chỉ bằng khoảng 2,4% tổng số dư tiền. Điều này cho thấy, DPM chưa có kế hoạch đầu tư cho dự án gì lớn trong năm nay.

Trong ĐHĐCĐ thường niên 2020, cổ đông Công ty từng chất vấn ban lãnh đạo về việc quản lý sử dụng vốn tiền mặt. Theo đó, cổ đông cho rằng lượng tiền mặt của DPM phần lớn gửi ngân hàng song lại có khoản vay dài hạn, như vậy chi phí lãi vay vượt cả doanh thu từ tiền gửi, gây lãng phí. “Tổng công ty cần xem lại việc quản lý vốn bằng tiền” – cổ đông nói.

Trong bảng lưu chuyển tiền tệ tính đến ngày 30/6, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư ghi âm hơn 57 tỷ đồng, trong đó Công ty đã chi gần 37 tỷ đồng để mua sắm, xây dựng vào các tài sản cố định và các tài sản khác.

Nhìn về quá khứ, nhu cầu đầu tư vào tài sản cố định nhà xưởng của DPM không cao, khoản đầu tư vào năm 2009 - 2010 cho việc xây dựng hệ thống thu hồi CO2 từ khói thải Primary Reformer trị giá 27 triệu USD (gần 600 tỷ đồng), nhằm nâng cao năng suất từ 740.000 tấn lên 800.000 tấn/năm là khoản đầu tư khủng nhất tính đến hiện tại.

Xét về dài hạn, việc DPM để cơ cấu tài chính trong trạng thái dư tiền quá lâu ít nhiều cũng cho thấy khả năng sử dụng vốn của doanh nghiệp chưa thực sự tối ưu.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN