Dòng tiền sau Tết Nguyên đán sẽ đổ về đâu?

Thông thường, quá trình giải ngân dòng vốn có phần chậm lại khi gần đến Tết Nguyên đán và sau Tết mới bật tăng. 

Các chuyên gia và tổ chức kỳ vọng vào một năm 2024 tươi sáng hơn với nhiều yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Nhiều chính sách và luật đã được thông qua ở các lĩnh vực, giúp khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Năm vừa qua có khá nhiều bất ngờ với diễn biến dòng tiền tại các kênh đầu tư. Trong khi tiền gửi vào ngân hàng đạt mức cao kỷ lục, giá vàng lập đỉnh 80 triệu đồng/lượng thì thị trường chứng khoán đi ngang và thị trường bất động sản, trái phiếu vẫn gần như đóng băng. Thông thường, quá trình giải ngân dòng vốn có phần chậm lại khi gần đến Tết Nguyên đán và sau Tết mới tăng trở lại. Vậy năm nay, sau Tết Âm lịch, liệu rằng dòng tiền có duy trì đà tăng như trước và ưu tiên đổ vào kênh đầu tư nào khi dường như không có yếu tố nào là chắc chắn?

Chứng khoán vẫn sẽ hút vốn đầu tư

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng Phòng phân tích Chiến lược CTCK KIS  Việt Nam cho rằng, ngoại trừ kênh chứng khoán, nhà đầu tư sẽ khó có thể đổ vốn vào kênh khác, vì hầu như bất động sản, trái phiếu… vẫn còn khó khăn, chưa có dấu hiệu phục hồi.

Dong tien sau Tet Nguyen dan se do ve dau?-Hinh-4

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu

Thứ nhất, khi mua bất động sản sẽ có 2 hình thức: Nhà đầu tư cần có vốn lớn hoặc đi vay. Thế nhưng, việc bắt đáy bất động sản với nhà đầu tư có vốn tự có đã giải ngân trong 2 năm vừa qua. Dòng vốn này hiện tại vẫn còn nhưng đã ít hơn rất nhiều.

Đối với dòng vốn đi vay để mua bất động sản, nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc rất nhiều. Lãi suất huy động tại ngân hàng dù đã giảm rất nhiều, nhưng lãi suất cho vay, dù giảm, vẫn còn quanh ngưỡng 13-14%/năm. Thêm nữa, không có gì chắc chắn để khẳng địnhthị trường bất động sản sẽ hồi phục trong 3-4 năm nữa. Thị trường bất động sản lại phụ thuộc nhiều vào thị trường trái phiếu và năm nay là thời hạn đáo hạn trái phiếu rất nhiều. Do đó, việc đổ vốn vào bất động sản qua dòng vốn này cũng sẽ không ồ ạt.

Thứ hai, thị trường vàng đang bị “siết”. Giá vàng trong nước lại phụ thuộc vào tỷ giá và giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới vẫn có xu hướng tiếp tục tăng, nhưng tỷ giá sau Tết Nguyên đán nhiều khả năng sẽ giảm, vì lượng kiều hối về Việt Nam và tính mùa vụ. Giai đoạn sau quý 1, tỷ giá thường sẽ giảm, khi đó sẽ ảnh hưởng đến giá vàng thế giới, làm cho giá vàng trong nước bị ảnh hưởng theo. Vậy nên, ông Hiếu cho rằng, dòng vốn cũng không đổ vào vàng.

Thứ ba, lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện chỉ còn 5-6%/năm. Mức lãi suất này sẽ không bằng khả năng thị trường chứng khoán có thể đem về trong 1-2 phiên. Do đó, vị chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư thu hút vốn nhiều nhất sau Tết.

Tiền gửi tiết kiệm vẫn còn sức hút

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank lại cho rằng, trong quý 1, tiền gửi ngân hàng vẫn có sức hút rất lớn.

Dong tien sau Tet Nguyen dan se do ve dau?-Hinh-5

Ông Phan Dũng Khánh

Năm 2023, lượng tiền đổ vào kênh tiết kiệm ngân hàng đạt mức cao nhất trong lịch sử và chủ yếu rơi vào thời gian tháng 11-12/2023. Do đó, ông Khánh dự báo, xu hướng dòng tiền đổ vào ngân hàng, gửi tiết kiệm vẫn sẽ tiếp diễn sang tháng 1/2024 và kéo dài đến hết quý 1.

Sau đó, tiền gửi tiết kiệm có thể giảm sức hút, sớm nhất vào cuối quý 1 và sang đầu quý 2, dòng tiền sẽ đổ vào các kênh mạo hiểm hơn như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Gần đây, thị trường chứng khoán tăng điểm trở lại, nhưng thanh khoản thấp và dòng tiền lại yếu. Ông Khánh cho rằng, lực bán trong giai đoạn vừa qua không quá mạnh nên dòng tiền dù rất yếu cũng có thể đẩy thị trường tăng điểm. Thị trường tăng, nhưng dòng tiền chỉ nằm ở một số nhóm nhất định. Ví dụ như nhóm ngành ngân hàng, dòng tiền phân bổ không đều, chỉ tập trung vào một số mã cổ phiếu có mức độ tác động vào thị trường lớn chứ không mang tính chất dàn trải.

Nói thêm về kênh chứng khoán, ông Khánh dự báo sau Tết Nguyên đán, những nhóm ngành có thể được hỗ trợ nhiều hơn thuộc về tài chính ngân hàng nhưng ở phân khúc hẹp như: Chứng khoán, bảo hiểm, sau đó là ngành bất động sản, tiêu dùng, vận tải. Ngành công nghệ cũng sẽ được lưu ý nhưng tập trung ở ngành công nghệ mới hoặc những doanh nghiệp truyền thống nhưng ứng dụng công nghệ mới. Thêm nữa, ngành năng lượng, chủ yếu là năng lượng xanh, năng lượng tái tạo sẽ được hỗ trợ nhiều hơn.

Chờ diễn biến của các thị trường

Dưới góc độ nhà đầu tư chứng khoán lâu năm, chị T.L cho rằng dòng tiền sau Tết sẽ tập trung vào kênh chứng khoán. Đây là kênh đầu tư có khả năng ghi nhận kết quả sinh lời tốt trong năm 2024, sau khi vàng đã tăng nóng trong thời gian vừa qua. Trong khi đó, thị trường bất động sản cần thêm khá nhiều thời gian để có thể hồi phục. Tuy nhiên, là một nhà đầu tư cá nhân, chị T.L sẽ cân nhắc giải ngân từng phần, vì hiện tại thị trường vẫn đi ngang trong biên độ rộng chứ không phải vào sóng tăng như giai đoạn tháng 5-8/2023 vừa qua. Hơn nữa, mặc dù các yếu tố vĩ mô Việt Nam có nhiều phần tích cực, nhưng cần quan sát kỹ những biến động của kinh tế - chính trị thế giới để đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn.

Dong tien sau Tet Nguyen dan se do ve dau?-Hinh-6

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) cho rằng, dòng tiền đầu tư sẽ chờ diễn biến của các thị trường. Cụ thể hơn, chuyên gia dự báo, phần lớn tiền vẫn sẽ nằm trong ngân hàng và chờ đợi tín hiệu tích cực hơn từ thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản. Dòng tiền sẽ tiếp tục thăm dò 2 thị trường này.

Nếu trong năm 2024, kinh tế tăng trưởng tốt hơn, thị trường chứng khoán cũng có cơ hội tăng trưởng, vì kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tăng trưởng, định giá doanh nghiệp sẽ thấp đi so với thời điểm hiện tại. Khi chỉ số P/E thấp đi, sẽ làm tăng sức hút đối với các nhà đầu tư hơn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo Cát Lam/FILI

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN