Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó đến cuối năm nếu dịch bệnh kéo dài

VDSC cho rằng triển vọng xuất khẩu của ngành trong nửa cuối năm 2021 tương đối kém khả quan.
Trong nửa đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam tăng 18% so với cùng kỳ đạt 788 triệu USD. Sản lượng xuất khẩu cá tra trở lại mức trước COVID, tăng 19% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng xuất khẩu sang Mỹ tăng 60%.
Tương tự, kim ngạch xuất khẩu tôm tăng 13% so với cùng kỳ, đạt 1,7 tỷ USD do nhu cầu tăng ở các thị trường chính như Mỹ, EU và Nhật Bản.
Hầu hết các công ty thủy sản đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực về doanh thu và lợi nhuận trong 6T-2021. Đáng chú ý, VHC và FMC đạt mức tăng trưởng doanh thu hai con số, chủ yếu nhờ xuất khẩu sang Mỹ tăng.
Tuy nhiên, chi phí vận chuyển tăng cao dẫn đến mức tăng lợi nhuận ròng thấp hơn doanh thu ở một số công ty chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ và EU.
Với 50% thị phần về giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ, VDSC có quan điểm tích cực về VHC, dù phải đối mặt với sự gián đoạn nguồn cung ngắn hạn trong bối cảnh COVID-19, nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng kết hợp với chi phí logistic có thể dần hạ nhiệt trong 2022.
Nhu cầu đối với tôm Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi từ những khó khăn của các đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt, nguồn cung tôm từ Ấn Độ và Indonesia bị suy giảm do COVID-19 và hầu như chưa phục hồi trước mùa lễ hội cuối năm, mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất Việt Nam.
Hơn nữa, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả thuế quan chống bán phá giá sơ bộ rằng tôm Ấn Độ sẽ bị đánh thuế ở mức kỷ lục 7,57%. Thuế chống bán phá giá này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng cạnh tranh về giá bán của Việt Nam.
Với những thuận lợi này, VDSC có quan điểm tích cực đối với triển vọng tiêu thụ đầu ra của FMC và MPC, nhờ tăng tốc xuất khẩu sang Mỹ bằng cách thay thế nguồn cung của Ấn Độ trong khi vẫn duy trì xuất khẩu sang EU và Nhật Bản. Ngoài ra, FMC và MPC cũng tập trung vào các dự án đầu tư theo chuỗi giá trị tích hợp để tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Doanh nghiep xuat khau thuy san gap kho den cuoi nam neu dich benh keo dai
 
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ gặp áp lực kéo dài
Triển vọng nguồn cung vốn đã khó khăn đối với thủy sản Việt Nam càng thêm phức tạp do các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta có hiệu lực vào ngày 19/07.
Nhiều nhà máy chế biến thủy sản đã phải đóng cửa, và những nhà máy có thể tiếp tục hoạt động phải giảm công suất hoạt động, đồng thời phải thực hiện “3 tại chỗ” và xét nghiệm nhanh COVID thường xuyên với các công nhân tại nhà máy. 
Tuy nhiên, VDSC nhận thấy nhiều doanh nghiệp thủy sản niêm yết vẫn ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu khả quan trong tháng 7 như VHC và FMC, với mức tăng lần lượt là 21% và 9% so với cùng kỳ.
Điều này được lý giải là do các công ty đầu ngành có đủ nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất, mặc dù công suất thấp hơn bình thường, cùng với đó là độ trễ thông thường của hàng tồn kho khoảng một tháng giúp các doanh nghiệp có đủ hàng xuất khẩu trong nửa cuối tháng 7.
Theo AgroMonitor, trong nửa đầu tháng 8, sản lượng xuất khẩu cá tra giảm mạnh hơn 30% so với cùng kỳ. Do đó, kỳ vọng rằng các công ty thủy sản sẽ bắt đầu chứng kiến xuất khẩu giảm mạnh kể từ tháng 8 trở đi.
VDSC cũng lo ngại rằng sự sụt giảm này có thể diễn ra tiếp tục vào quý 4/2021 do các ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Nhìn chung, nhu cầu đã dồi dào nhưng nguồn cung thủy sản trong nước chưa thể đáp ứng đủ do công suất hoạt động thấp, dẫn đến triển vọng xuất khẩu của ngành trong nửa cuối năm 2021 tương đối kém khả quan.
Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giúp các doanh nghiệp trở lại sản xuất bình thường trong nửa cuối năm nay, VDSC tích cực về triển vọng của ngành thủy sản trong năm 2022.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN