Doanh nghiệp nhiệt điện than đang gặp 'thiên thời'?

Việc mực nước các hồ thủy điện thấp đã dẫn đến tình trạng thiếu điện nghiêm trọng ở miền Bắc, đây là một tin xấu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng sự thiếu hụt này lại có lợi cho các doanh nghiệp nhiệt điện.
Chứng khoán Yuanta vừa có báo cáo nhanh ngành năng lượng với nhận định Nhiệt điện than đang gặp "thiên thời".
Việc mực nước các hồ thủy điện thấp đã dẫn đến tình trạng thiếu điện nghiêm trọng ở miền Bắc, với mức thiếu hụt lên tới 2,7 GW. Mặc dù đây là một tin xấu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng sự thiếu hụt này lại có lợi cho các doanh nghiệp nhiệt điện.
Nhiệt điện than sẽ bù đắp cho sự thiếu hụt của thủy điện?
Thủy điện đối mặt với hiện tượng El Nino. Thời tiết khô hạn gần đây khiến thủy điện, vốn chiếm 29% công suất hệ thống, không thể đáp ứng nhu cầu điện. Lưu lượng nước đến các hồ chứa trên cả nước trong tháng 4 và tháng 5 chỉ bằng 50% so với mức trung bình nhiều năm và các dự báo cho rằng tình hình sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn trong tháng 6 và 7.
Khu vực miền Bắc đang phải đối mặt với tình trạng gián đoạn cung cấp điện do 5,0 GW công suất thủy điện hiện không được huy động do thiếu nước tính đến thời điểm hiện tại. Các bộ ngành liên quan ước tính khoảng cách cung-cầu điện đã đạt từ 1,6G W đến 2,7 GW.
Trong bối cảnh đó, tràn ngập những câu chuyện về sự cố mất điện, cả trong kế hoạch và ngoài kế hoạch, tại các cơ sở công nghiệp và thương mại khác nhau, đặc biệt là ở miền Bắc.
Theo Yuanta, nhiệt điện than, chiếm 33% công suất hệ thống, sẽ được hưởng lợi từ tình hình này vì nhiệt điện sẽ được huy động cao hơn để bù đắp cho sự thiếu hụt của thủy điện.
Do đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp này có thể mở rộng, khi giá bán tăng và chi phí đầu vào giảm.
Doanh nghiep nhiet dien than dang gap 'thien thoi'?
 
POW, QTP và PPC được đánh giá như nào?
Trong bối cảnh đó, lựa chọn hàng đầu của Yuanta về chủ đề El Nino chính là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HoSE: POW) trước cơn khát năng lượng trong dài hạn của Việt Nam và việc tiếp tục phụ thuộc vào nhiệt điện than.
POW báo cáo rằng giá thị trường toàn phần (FMP) đã tăng 30,3% từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, giá than đã giảm 65,7% so cùng kỳ, xuống còn 139 USD/tấn.
Đồng quan điểm, song Chứng khoán KB (KBSV) cũng cho rằng, về tiến độ của dự án nhà máy Nhơn Trạch 3&4, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ giai đoạn 2024-2025 và đóng góp tích cực vào triển vọng mảng điện khí của POW.
Với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, dự án có tổng công suất 1.600 MW có thể phát trung bình 9 tỷ kWh/năm. Đầu vào của 2 nhà máy là khí LNG nhập khẩu với mức tiêu thụ là 1,2 triệu tấn/năm. Nhơn Trạch 3&4 khi vận hành sẽ giúp nâng tổng công suất phát điện của POW lên 5.705 MW, tăng 36%.
KBSV cũng lưu ý, POW có đề cập đến việc phát hiện sự cố tại tuabin cao, trung áp của tổ máy số 1 nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1. Do đó, thời gian chạy thử và nghiệm thu dự kiến sẽ kéo dài khoảng 5 tháng, tức là đến cuối tháng 8/2023. Yếu tố trên sẽ ảnh hưởng đến tổng sản lượng điện trong năm 2023 của POW. Vì vậy, KBSV hạ dự phóng sản lượng nhiệt điện từ nhà máy Vũng Áng 1 xuống còn 4.234 kWh, tăng 25% so với cùng kỳ. Ngoài ra, kỳ vọng giá trung bình của nhà máy Nhiệt điện 2023 sẽ tương đương 2.127 đồng/kWh, tăng gần 13%.
Yuanta cũng đưa ra các lựa chọn khác trong ngành nhiệt điện than là CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCOM: QTP) và CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC) song lại không đưa ra đánh giá về hai doanh nghiệp này. 
Trong đó, QTP là doanh nghiệp cung cấp 1,2 GW nhiệt điện than cho Hà Nội. Còn PPC với tổng công suất nhiệt điện than là 1,040 MW. Chất xúc tác ngắn hạn là PPC có kế hoạch khởi động lại tuabin S6, công suất 300MW (chiếm 28,8% tổng công suất) vào tháng 06 sau khi ngừng hoạt động để bảo trì vào tháng 3/2021.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN