Lợi nhuận giảm
Trong quý 2, Cao su Tây Ninh (TRC) ghi nhận doanh thu đạt 54,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 16 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 44% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 103 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 36 tỷ đồng, lần lượt giảm 22% và tăng 14% so với bán niên của cùng kỳ.
Cao su Tây Ninh cho biết, kết quả kinh doanh quý 2 kém khả quan do giá bán mủ cao su quý này giảm so với quý 2/2019; lợi nhuận tài chính giảm do các đơn vị góp vốn chưa thanh toán cổ tức năm 2019, dự kiến sẽ thanh toán và ghi nhận trong quý 3.
Bên cạnh đó hoạt động thanh lý cao su diễn ra chủ yếu trong quý 1, vì vậy lợi nhuận thanh lý của năm 2020 đã ghi nhận chủ yếu trong quý 1.
Một công ty trong ngành cũng báo lãi giảm là Cao su Đà Nẵng (DRC), công ty báo lãi giảm 39% về cong 43 tỷ đồng, trong khi đó doanh thu cũng giảm 28% về còn 789 tỷ đồng. DRC cho biết kết quả kinh doanh giảm 39% do tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới ảnh hưởng đến doanh thu tiêu thụ sản phẩm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Cao su Đà Nẵng ghi nhận 1.592 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 17% so với cùng kỳ, lãi sau thuế đạt 81 tỷ đồng giảm 8,3%. Như vậy, DRC đã thực hiện 39% kế hoạch doanh thu và 36% kế hoạch lợi nhuận đã đặt ra cho năm nay.
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh quý 3, DRC đặt mục tiêu 930 tỷ đồng giá trị sản xuất thực tế. Doanh thu thuần và lãi trước thuế dự đạt 948 tỷ đồng và 62 tỷ đồng, tương ứng giảm 2% và 39%.
CTCP Cao su Thống nhất (TNC) thì lỗ gộp 602 triệu đồng trong quý 2 nhưng nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính (lãi tiền gửi và cổ tức lợi nhuận được chia) nên sau cùng Cao su Thống Nhất có lãi ròng gần 25 tỷ đồng, giảm 31% so với quý 2/2019.
Do quý 1 báo lãi lớn nên tính trong 6 tháng thì Cao su Thống nhất vẫn ghi nhận doanh thu tăng 13% lên gần 30 tỷ đồng và lãi ròng tăng 33% lên 49 tỷ đồng.
|
Doanh nghiệp cao su đều gặp khó trong quý 2. |
Cao su Bến Thành (BRC) thì có lãi quý 2 đi ngang so với cùng kỳ, cụ thể, doanh thu quý 2 của Công ty đạt 78 tỷ đồng, tăng 18% tuy nhiên giá vốn và chi phí tăng nên lợi nhuận sau thuế đạt 6,2 tỷ đồng đi ngang so với quý 2/2019.
Lũy kế 6 tháng Cao su Bến Thành đạt 144 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 16% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt gần 11 tỷ đồng, tương đương nửa đầu năm 2019.
Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) ghi nhận hơn 4 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 7% so với quý 2/2019. Trong đó, bao gồm 3 tỷ đồng doanh thu kinh doanh bất động từ cho thuê lại đất và cho thuê cơ sở hạ tầng và hơn 1 tỷ đồng doanh thu từ cung cấp dịch vụ.
Song lãi tiền gửi ngân hàng giảm 36% và trích lập gần 2 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi của Công ty TNHH Nice Ceramic là nguyên nhân chủ yếu khiến lãi ròng quý 2/2020 của VRG giảm 64% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 2 tỷ đồng.
Nửa đầu năm, với hơn 12 tỷ đồng doanh thu thuần và 6 tỷ đồng giá vốn hàng bán, đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, VRG có lãi gộp hơn 6 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Vì vậy, biên lãi gộp tăng từ 43% lên mức 49%.
Sau khi ghi nhận doanh thu tài chính đạt gần 9 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm gần 6 tỷ đồng, cùng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, VRG ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 9 tỷ đồng, tăng 67%.
So với kế hoạch kinh doanh 2020, VRG mới thực hiện được 20% chỉ tiêu về doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh khu công nghiệp và 22% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.
Nguyên nhân do đâu?
Theo giải trình từ các công ty cao su, phần lớn lãi giảm do bị ảnh hưởng từ giá cao su trên thế giới. Kể từ quý 2, giá cao su diễn biến lao dốc và duy trì mức thấp cho đến hiện tại.
Nhận định về bối cảnh kinh doanh của năm 2020, các doanh nghiệp ngành cao su có chung nhận định lĩnh vực cao su sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, giá bán cao su ở mức thấp bình quân khoảng 32,34 triệu đồng/tấn giảm so với mức 33,41 triệu đồng/tấn năm 2019.
Chưa kể, dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ cao su thiên nhiên và dầu mỏ lớn nhất thế giới, kéo theo tác động làm sụt giảm gần ¼ nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
Trong quý 2/2020, giá cao su thiên nhiên dao động trong khoảng 130 - 145 JPY/kg, trong khi cùng kỳ năm 2019, sản phẩm này được giao dịch với giá 175 - 240 JPY/kg. Có thể thấy, giá cao su thiên nhiên năm nay giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo, giá cao su trên thị trường thế giới có thể sẽ giảm khoảng 10 - 15% vì mùa thu hoạch cao su ở các nước Đông Nam Á thường vào khoảng tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, trong khi nhu cầu cao su tự nhiên ở các thị trường chủ chốt, nhất là Hoa Kỳ và châu Âu dự báo sẽ ở mức thấp trong nhiều tháng nữa.
Hiện một số nhà máy sản xuất lốp xe tại châu Âu và tại châu Á - Thái Bình Dương vẫn đóng cửa, hoặc chỉ sản xuất cầm chừng. Trong khi đó, giá dầu thô ở mức thấp cũng sẽ tác động tới thị trường cao su tự nhiên, do giá cao su tổng hợp sẽ ở mức thấp và cạnh tranh mạnh mẽ với cao su tự nhiên.
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngắn hạn, xuất khẩu cao su của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình dịch COVID-19 lan khắp thế giới, mối lo ngại về sự suy thoái toàn cầu đang diễn ra, làm giảm cơ hội mở rộng thị trường.