Số lượng đặt mua là 7,4 triệu cổ phiếu VTP, gấp rưỡi lượng chào bán. Trong đó, khối ngoại đăng ký mua là 6,14 triệu đơn vị. Các tổ chức trong nước đăng ký mua hơn 1,3 triệu cổ phiếu VTP, cá nhân trong nước đăng ký mua 20.000 cổ phiếu VTP.
Trước đó, Chứng khoán Rồng Việt nhận định việc thoái vốn của Viettel ít gây được sự chú ý từ các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng do tỷ lệ thoái khá thấp và phân kỳ giai đoạn thoái vốn tiếp theo chưa rõ ràng.
Vậy điều gì từ Viettel Post mà lại thu hút khá nhiều nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư ngoại tham gia đấu giá?
Đến thời điểm hiện nay, cổ đông nước ngoài đang nắm giữ khoảng 12,6% vốn Viettel Post, cổ đông trong nước nắm 20,6% vốn, còn lại 66,8% là do Viettel nắm giữ.
Viettel Post được thành lập tháng 7/2009, tập trung vào 3 mảng kinh doanh chính là Dịch vụ chuyển phát (trong và ngoài nước), Dịch vụ Kho vận, Thương mại và dịch vụ.
Viettel Post cho biết đang sở hữu mạng lưới chuyển phát rộng khắp cả nước với 2.200 bưu cục, 827 cửa hàng và 469 điểm cung ứng dịch vụ bưu chính.
Lợi thế cạnh tranh của VTP được tăng cường nhờ kế thừa những thế mạnh sẵn có của Viettel
Trong báo cáo về VTP, Chứng khoán VNDirect nhận định là một trong bốn trụ cột trong kế hoạch phát triển của Tập đoàn Viettel giai đoạn 2021- 2025, VTP đang nhận được sự hỗ trợ toàn diện về các công nghệ hiện đại và mạng lưới cơ sở hạ tầng toàn quốc từ tập đoàn Viettel.
Đây cũng là những lợi thế cạnh tranh lớn của VTP trong việc chiến lĩnh thị phần ngành chuyển phát trong các năm tới:
Về công nghệ, VTP nhận được sự hỗ trợ từ nguồn nhân lực công nghệ cao của tập đoàn Viettel, từ đó có thể phát triển các sản phẩm công nghệ cao nhằm giải quyết ba vấn đề:
(1) xử lý khối lượng lớn các đơn hàng; (2) rút ngắn tổng thời gian giao hàng khi đây là mối quan tâm lớn nhất của khách hàng trong việc lựa chọn dịch vụ và (3) cung cấp nhiều loại hình dịch vụ và nguồn doanh thu.
Với các sản phẩm đã ra mắt, VTP đã cho thấy tiềm lực công nghệ mạnh mẽ, một lợi thế cạnh tranh lớn để giành thị phần trong thị trường chuyển phát.
Sau khi nhận chuyển nhượng 823 cửa hàng viễn thông từ Viettel Telecom trong năm 2019, VTP hiện đang sở hữu 1.825 bưu cục và 6.000 điểm giao nhận. Hiện tại, VTP có cơ sở hạ tầng bưu chính lớn thứ hai Việt Nam sau VNPost, doanh nghiệp sở hữu khoảng 11.235 bưu cục và điểm giao nhận.
Ngoài triển vọng nhận thêm cơ sở hạ tầng các năm sắp tới, VTP có thể tận dụng hệ thống hạ tầng rộng lớn sẵn có của Viettel để bán chéo dịch vụ của mình.
Ngoài thế mạnh về mạng lưới bưu chính phủ rộng đến tận các khu vực hẻo lánh, VTP còn sở hữu công suất vận chuyển lớn với 800 xe tải và 12 toa hàng trong tổng số 22 toa của chuyến tàu 40 giờ Bắc - Nam nhằm cải thiện tốc độ vận chuyển và nâng cao chất lượng nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng.
Đây là những lợi thế rất lớn của VTP so với các đối thủ khác khi các đối thủ có thể phải mất nhiều năm để đạt được cơ sở hạ tầng và công suất như VTP hiện nay.
VTP sẽ tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với tốc độ của ngành trong giai đoạn 2020-2022
Theo VNDirect, đối thủ cạnh tranh đáng quan tâm nhất của VTP là các nền tảng thương mại điện tử với hệ thống giao hàng riêng, có thể kể đến như LazadaVN với tiềm lực tài chính dồi dào cùng chiến lược kinh doanh “cash-burn” để tăng trưởng.
Tuy nhiên, mô hình kinh doanh của LazadaVN không hoạt động tốt như các nền tảng khác như Shopee, mô hình bàn giao quá trình vận chuyển cho bên thứ ba. Do đó, thị phần của LazadaVN trong mảng thương mại điện tử dần mất đi, dẫn tới thị phần dịch vụ chuyển phát giảm từ 6,6% trong 2017 xuống 4,8% trong 2018.
Nhờ vào năng lực công nghệ vượt trội và cơ sở hạ tầng bưu chính trên toàn quốc của VTP, VNDirect tin rằng công ty có khả năng chiếm lĩnh thị phần từ các đối thủ cạnh tranh trong các năm tới.
VNDirect kỳ vọng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát của VTP sẽ đạt tăng trưởng kép 18,5% trong giai đoạn 2020- 2022, cao hơn 7,1 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng kép toàn ngành giai đoạn này, từ đó tăng thị phần từ 24,0% năm 2019 lên 28,8% trong 2022.