Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, các kế hoạch được hoạch định từ cuối năm ngoái đã không còn phù hợp do vậy PNJ đã nhanh chóng thay đổi.
PNJ đã chủ động chuẩn bị các kịch bản ứng phó tương ứng với từng giai đoạn: dịch bệnh – suy thoái – phục hồi. Tiến hành đồng thời cùng các hoạt động trên, PNJ đã đàm phán để tiết giảm chi phí mặt bằng, tiến hành cơ cấu lại hàng tồn kho, tăng thanh khoản kho hàng…
PNJ cũng đã cơ cấu lại các kỳ hạn vay và lãi vay, tạm dừng các dự án đầu tư mới, xây dựng kịch bản stress-test và các phương án dự phòng cho từng kịch bản.
Tuy vậy, trong tháng 4 vừa qua, PNJ phải ghi nhận doanh thu thuần giảm 47% xuống 501 tỷ đồng và chấp nhận lỗ 89 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 53 tỷ đồng. Nguyên nhân PNJ phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng theo chỉ đạo của Chính phủ cùng với doanh thu bị thiếu hụt do không có hợp đồng xuất khẩu và kênh bán sỉ giảm sút theo thị trường từ cuối năm 2019.
Trong Đại hội, Công ty trình cổ đông kế hoạch 2020 cho doanh thu thuần đạt 14.485 tỷ đồng, giảm 15% so năm 2019; lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 30%, về mức 832 tỷ đồng.
Trước đó, vào đầu tháng 3, PNJ dự kiến trình cổ đông đặt mục tiêu doanh thu thuần tăng 12% trong năm 2020, dự kiến đạt 19.020 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng cùng mức 12%, dự kiến đạt 1.686 tỷ đồng.
Nếu vượt 115% lợi nhuận sau thuế, PNJ sẽ thưởng 1%/lợi nhuận sau thuế cho HĐQT và lãnh đạo chủ chốt. Đồng thời phát hành cổ phiếu theo chương trình chọn lựa cho người lao động (ESOP) với tỷ lệ 0,85%/số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung cho biết thông thường các năm trước, tăng trưởng doanh thu của PNJ luôn nhỏ hơn so với lợi nhuận nhưng năm nay PNJ quyết định đặt mức giảm doanh thu chỉ 15% và lợi nhuận đến 30%, nguyên nhân PNJ hướng đến đầu tư tại các vùng T2, T3 sau dịch, bên cạnh đó Công ty tuyển chọn nhân tài cho các vị trí đầu não nên chi phí tiền lương chắc chắn sẽ tăng dù cho triển khai ERP.
|
ĐHĐCĐ PNJ sáng 10/6. |
Vạch ra chiến lược cho năm nay, bà Cao Thị Ngọc Dung cho rằng PNJ sẽ bám theo 4 trụ cột là tăng trưởng vững chắc, phát triển năng lực, làm giàu tài nguyên, chuẩn bị tương lai. Từ giữa năm 2019, PNJ đã bắt đầu án triển khai các dòng sản phẩm hướng đến giới trẻ, để mở rộng phân khúc so với những tầng lớp tiêu dùng trước đây.
Chủ tịch PNJ còn tiết lộ, nhà máy thứ hai của PNJ sẽ được xây dựng tại Long An trong năm nay. Nhà máy mới sẽ hướng đến các sản phẩm cao cấp hơn, thay thế được các mặt hàng nhập khẩu, qua đó cũng giảm được nhiều chi phí thuế nhập khẩu cho Công ty.
Thêm vào đó, nhà máy mới cũng tránh được vấn đề về môi trường như nhà máy hiện tại của PNJ, vì đặt trong khu dân cư nên không thể làm những sản phẩm xi mạ có vấn đề liên quan đến môi trường.
Ngoài ra, Đại hội sẽ thông qua miễn nhiệm 3 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2017-2022 là bà Phạm Vũ Thanh Giang, bà Phạm Thị Mỹ Hạnh và ông Robert Alan Willett do có gửi đơn từ nhiệm.
Theo đó, Đại hội đã tiến hàng bầu cử bà Trần Phương Ngọc Thảo – con gái của Chủ tịch PNJ, Tổng giám đốc Talentnet Tiêu Yến Trinh và Chủ tịch CTCP Đầu tư Alphanam Nguyễn Tuấn Hải cho nhiệm kỳ 2020-2025.
Cổ đông không tán thành phương án phát hành ESOP khi giá cổ phiếu đi xuống
Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đồng thường niên được thông qua ngày 20/4/2019, Công ty sẽ phát hành ESOP cho Hội đồng quản trị và lãnh đạo chủ chốt khi PNJ đạt/vượt kế hoạch lợi nhuận.
Do vậy, tại Đại hội lần này, Công ty dự kiến trình thông qua kế hoạch phát hành gần 2,3 triệu cổ phiếu ESOP (1,03% lượng cổ phần lưu hành) cho cán bộ nhân viên Tập đoàn có đóng góp trong việc thực hiện vượt kế hoạch với giá 20.000 đồng/cp. Như vậy, PNJ sẽ thu về xấp xỉ 51 tỷ đồng.
Cổ đông tại đại hội cho rằng thị giá PNJ suy giảm mạnh trong thời gian qua, dẫn đến thua thiệt cho các cổ đông, dù phát hành ESOP để động viên cho cán bộ nhưng vị cổ đông cho rằng việc này không cần thiết. Thay vào đó, PNJ nên cân nhắc thưởng tiền mặt thay vì ESOP.
Bà Cao Thị Ngọc Dung giải thích cổ phiếu PNJ giảm trong thời gian qua không phải do hoạt động kinh doanh của Công ty đi xuống mà là do sự suy giảm của thị trường.
Cũng là cổ đông của Công ty, bà cùng nhóm người thân cũng bị thiệt hại và khi giá giảm và chịu pha loãng cổ phiếu khi phát hành ESOP. Bà nhấn mạnh rằng, phát hành ESOP để tạo động lực cho nhân viên tạo ra giá trị tương lai nên không nên tiếc nuối tỷ lệ pha loãng này vì có thể làm mất đi động lực làm việc của nhân viên.
PNJ khác MWG và FPT Shop khi kinh doanh đồng hồ và mắt kính
Trả lời câu hỏi của cổ đông về hàng tồn kho chiếm số lượng lớn trong tổng tài sản đồng thời tốc độ hàng tồn kho tăng cao hơn so với tốc độ của lợi nhuận, Tổng Giám đốc Lê Trí Thông cho rằng năm vừa qua PNJ đã tối ưu hoá hàng tồn, có thể thấy sự hiệu quả của hàng tồn kho thông qua việc lưu chuyển hàng tồn. Hàng tồn của PNJ không giống với các hàng tồn bán lẻ khác, giá trị của hàng tồn PNJ không bị mất giá.
Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung tiếp lời trong năm rồi, PNJ mở mới cửa hàng thì hàng tồn chắc chắn cũng tăng. Tuy nhiên, trong kế hoạch 2020 thì hàng tồn có xu hướng giảm.
Trong bối cảnh COVID-19 thì tất cả doanh nghiệp phải tăng thanh khoản. Diễn biến COVID-19 không biết sẽ đi tới đâu, do đó PNJ sẽ giữ vay và dẫn đến chi phí vay ở mức cao, cùng với đó giữ hàng tồn.
PNJ cũng dự trữ vàng miếng, đây cũng là khoản tích luỹ thanh khoản của Công ty giai đoạn này. Ban lãnh đạo cũng nhấn mạnh, PNJ kinh doanh chính là trang sức, còn hàng tồn Công ty sẽ tối ưu thông qua nhiều tài sản bao gồm vàng miếng.
Về mô hình bán đồng hồ kết hợp mắt kính, bà Dung cho biết 2 năm qua Công ty vẫn đang dò bước, đầu tư về con người, về kinh nghiệm và chưa phát triển mạnh.
Bà chủ PNJ khẳng định đồng hồ và kính mắt là hai mảng PNJ dùng để tạo thêm động lực. PNJ khác với MWG và FPT Shop, không đi chiều rộng mà đi chiều sâu, khai thác trực diện vào tệp khách hàng hiện hữu.