ĐHĐCĐ Phục vụ Mặt đất Sài Gòn: Kế hoạch lợi nhuận lao dốc tới 97% về còn 10 tỷ

Công ty đặt chỉ tiêu 2020 sụt giảm mạnh với doanh thu 820 tỷ đồng, giảm 50% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 10 tỷ, giảm đến 97% so với năm 2019.

Sáng 4/6, Đại hội đồng cổ đông thường niên của CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (HoSE: SGN) đã diễn ra, Đại hội đã bầu ra Chủ tịch mới của Công ty là ông Đặng Tuấn Tú.

Phát biểu tại Đại hội, ban lãnh đạo SGN cho biết, năm 2019, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 24%; lợi nhuận sau thuế là 346 tỷ đồng, tăng 32% so với thực hiện năm 2018.

Nhờ Vietjet tiếp tục dịch chuyển dần cơ cấu máy bay khai thác từ loại nhỏ A320 sang loại lớn hơn A321 góp phần tăng doanh thu cho SGN. Hiện, tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, SGN đang cung cấp dịch vụ mặt đất cho khoảng 50% tổng số chuyến bay khai thác.

DHDCD Phuc vu Mat dat Sai Gon: Ke hoach loi nhuan lao doc toi 97% ve con 10 ty
 Đại hội cổ đông SGN sáng 4/6.

Tại cảng Đà Nẵng, SGN cung cấp dịch vụ cho hơn 15 hãng trong và ngoài nước. Tại cảng Cam Ranh, Công ty cũng phục vụ hơn 17 hãng trong và ngoài nước.

Sự gia nhập của Bamboo Airways cũng thúc đẩy sản lượng khai thác cho Công ty. SGN còn ký kết hợp đồng phục vụ cho một số hãng hàng không quốc tế mới như IndiGo, Qatar Airways, Thai Vietjet Air, Malindo Air (tại DAD) và Air Busan, Asiana Airlines...

Bên cạnh thuận lợi, SGN cũng đối mặt với một số khó khăn, đặc biệt là cạnh tranh khốc liệt từ VIAGS (công ty con của Vietnam Airlines) tại 3 cảng sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh.

Chưa kể công suất hoạt động của nhà ga (nội và ngoại) tại Tân Sơn Nhất đã đạt ngưỡng tối đa, dẫn đến việc mở rộng đường bay hay tần suất khai thác của các hãng bị hạn chế. Hai cảng Cam Ranh và Đà Nẵng cũng bị quá tải vào một số thời điểm trong ngày….

Ngoài ra, do giới hạn về slot, khi sản lượng khai thác quốc nội tăng sẽ làm giảm tần suất từ hãng ngoại, dẫn đến làm ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh của Công ty.

SGN cũng đã báo cáo Đại hội về tình hình kinh doanh 2015-2019, theo đó sản lượng và doanh thu trung bình tăng 28%/năm, lợi nhuận sau thuế đạt con số 44%/năm.

Với kết quả khả quan, Công ty cũng chi trả cổ tức từ 50-70% (bao gồm cổ phiếu và tiền mặt) hàng năm. Năm 2019, SGN dự chia cổ tức với tỷ lệ 40% bằng tiền mặt, tương ứng tổng chi hơn 134 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty cũng thưởng đạt kế hoạch cho ban điều hành, Ban kiểm soát và Hội đồng quản trị với tỷ lệ 2,5% lợi nhuận sau thuế được phân phối, khoảng 8 tỷ đồng.

DHDCD Phuc vu Mat dat Sai Gon: Ke hoach loi nhuan lao doc toi 97% ve con 10 ty-Hinh-2
 Nguồn: SGN.

Lãnh đạo SGN cho biết với tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 1/2020, ngành hàng không trong nước và thế giới đang chịu thiệt hại nặng nề. Đến nay, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ban lãnh đạo SGN cho rằng hoạt động kinh doanh sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2020.

Theo đó, Công ty đặt chỉ tiêu 2020 sụt giảm mạnh với doanh thu 820 tỷ đồng, giảm 50% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 10 tỷ, giảm đến 97% so với năm 2019, Công ty cũng có kế hoạch chia cổ tức 2020 với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt.

Công ty cũng dự kiến chi hơn 130 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị, thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị văn phòng,… Tuy nhiên tần suất đầu tư sẽ được giãn khi dịch bệnh kết thúc.

Đại hội lần này cũng đã bầu dàn lãnh đạo mới cho nhiệm kỳ 2020 – 2025, kết quả sau cùng ông Đặng Tuấn Tú được bầu là Chủ tịch Hội đồng quản trị, các thành viên trong Hội đồng quản trị còn lại gồm có ông Nguyễn Nam Tiến, ông Nguyễn Ngọc Anh, bà Nguyễn Ngọc Anh và ông Lưu Đức Khánh.

Trong cơ cấu cổ đông tại thời điểm cuối năm 2019, cổ đông lớn của SGN có Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với 48,02%, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) sở hữu 14,97%, CTCP Hàng không Vietjet (VJC) sở hữu 9,11% và CTCP Đầu tư khai thác Cảng nắm 7,06%.

Cổ phiếu SGN lên giao dịch trên H0SE vào tháng 8/2018, đến nay ghi nhận mức tăng mạnh 321%, lên 70.900 đồng/cp.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN