Đó là chia sẻ của Tổng giám đốc Tập đoàn Kido (HoSE: KDC), ông Trần Lệ Nguyên tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra sáng 15/6 tại TPHCM.
Kế hoạch năm 2020 lợi nhuận tăng 60%
Theo Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Xuân Liễu, năm 2020, Kido dự báo nền kinh tế tiềm ẩn các rủi ro, tuy nhiên vẫn có những triển vọng từ xu hướng phát triển tại thị trường Việt Nam. Do đó, kết hợp cùng nền tảng sản xuất và hệ thống kênh phân phối, Kido đã hoạch định chiến lược cho năm 2020, phân hoá cụ thể vai trò cho từng mảng kinh doanh cốt lõi.
Theo đó, Kido đặt kế hoạch doanh thu thuần 8.234 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 330 tỷ đồng, tăng lần lượt 14% và 17% so với năm 2019.
Riêng 5 tháng đầu năm, doanh thu của Kido là 3.100 tỷ, tăng 18% so cùng kỳ.
Ông Trần Lệ Nguyên khẳng định, sang năm 2021, con số lợi nhuận tối thiểu của Kido là 700 tỷ đồng khi có thêm lợi nhuận mảng bánh kẹo và liên doanh Vibev.
Ngoài ra, Sau khi chia cổ tức xong, Kido còn hơn 1.000 tỷ thặng dư và cổ phiếu quỹ, nếu làm ăn tốt, Kido sẽ chia lại cho cổ đông.
|
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Xuân Liễu chia sẻ về định hướng của Kido thời gian tới. |
Được biết, năm 2019, Kido thực hiện được 7.210 tỷ đồng doanh thu thuần và 283 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 60% so năm 2018.
Với kết quả đó, Kido quyết định trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 16%, tương ứng mỗi cổ phần nhận được 1.600 đồng. Tương ứng số tiền Kido sẽ phải chi ra là 329 tỷ đồng.
Còn cổ tức năm 2020, Kido cũng dự kiến chi trả bằng với năm 2019 là 16%.
Tái cấu trúc, trở lại mảng bánh kẹo với thương hiệu Kingdom
Trong năm nay, đối với ngành hàng khô, Kido cho biết sẽ tăng cường lợi thế về kênh phân phối, chuỗi cung ứng… đồng thời đa dạng hoá danh mục sản phẩm, tập trung phát triển các sản phẩm cốt lõi và cao cấp.
Đáng chú ý, Kido cho biết trong quý 3 năm nay sẽ trở lại mảng bánh kẹo với thương hiệu Kingdom. Kỳ vọng 2 năm nữa, Kido sẽ trở lại vị trí thứ 2 trong ngành bánh kẹo do có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành.
|
Dự kiến sản phẩm ngành bánh của Kido sắp tới với thương hiệu Kingdom |
Đối với ngành lạnh, Kido cũng tập trung phát triển các sản phẩm cao cấp, đồng thời đầu tư vào đa dạng hoá sản phẩm, nhắm vào giới trẻ…
Mục tiêu của Kido đối với ngành lạnh là không chỉ dừng lại ở cung cấp các sản phẩm kem, mở rộng thị trường ngành lạnh tại Việt Nam mà còn bắt đầu thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á và châu Á.
Đặc biệt, trong năm nay, Kido sẽ tham gia vào ngành hàng tiềm năng là đồ uống khi hợp tác với CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) lập liên doanh Vibev. Liên doanh này sẽ có vốn điều lệ ban đầu là 800 tỷ đồng, trong đó Vinamilk sở hữu 51%, còn Kido nắm giữ 49%. Dự kiến doanh thu năm đầu tiên của liên doanh là 2.000 tỷ đồng.
Đồng thời, Kido sẽ thực hiện sáp nhập Thực phẩm Đông lạnh Kido (HoSE: KDF) và Dầu thực vật Tường An (HoSE: TAC). Trước mắt sẽ sáp nhập KDF, còn TAC sẽ sáp nhập khi cổ đông Nhà nước thoái vốn.
Ngoài ra, Kido vẫn tiếp tục xác định và thực hiện hoạt động M&A trong lĩnh vực có tiềm năng, thực hiện gia công, hợp tác với đối tác trong năm 2020.
Kido sau sáp nhập sẽ đạt lợi nhuận gần 3.000 tỷ vào năm 2025
Chi tiết về phương án sáp nhập KDF, Kido sẽ phát hành hơn 23 triệu cổ phần để hoán đổi 17,76 triệu cổ phần của KDF, tương ứng 32,79% tổng số cổ phần đang lưu hành. Tỷ lệ hoán đổi là 1:1,3 (tức 1 cổ phần KDF sẽ hoán đổi được 1,3 cổ phần KDC).
Như vậy sau khi sáp nhập, tổng số cổ phần của KDC là gần 280 triệu cổ phần, tương ứng giá trị 2.797 tỷ đồng.
Từ đó, Kido đặt mục tiêu năm 2021 doanh thu hợp nhất sẽ đạt tới 13.523 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế hợp nhất lần lượt là 929 tỷ và 657 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2020, doanh thu của Kido khi đó sẽ tăng tới 64%, còn lợi nhuận trước thuế gấp 2,8 lần kế hoạch 2020.
Dài hơi hơn, Kido sẽ đạt 28.100 tỷ doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2.974 tỷ đồng vào năm 2025, tăng vọt tới 800% so với con số của năm 2020.
|
|
Mục tiêu doanh thu và lợi nhuận giai đoạn 2020-2025 của Kido |
|
"Sáp nhập là để đi xa hơn"
Ở phần thảo luận, Tổng giám đốc Trần Lệ Nguyên cho biết, năm 2015 chủ trương của Kido là thoái mảng bánh kẹo, năm 2016 chính thức thoái hoàn toàn và thu được khoản lớn tiền mặt nên đã thưởng cổ tức cho cổ đông.
Trong 3 năm qua (2017, 2018, 2019) sau khi tái cấu trúc, Kido đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, KDF đã tăng trưởng và có thặng dư nên đã trả cổ tức cho cổ đông.
Đặc biệt, thời gian qua, Tường An vẫn không thay đổi doanh số dù ảnh hưởng của dịch bệnh mà còn tăng trường hơn 20%, thị phần ngày càng tăng. Còn Vocarimex thì sẽ sáp nhập vào Kido khi Nhà nước thoái vốn.
Về hoạt động kinh doanh của Kido Nhà Bè, đã cải thiện rất rõ rệt sau khi Kido tiếp nhận. Cụ thể, doanh thu tăng và lợi nhuận đạt 20 tỷ đồng, còn 5 tháng đầu năm doanh thu tăng 22%, lợi nhuận khoảng gần 8 tỷ đồng.
Việc sáp nhập các đơn vị thành viên này là để giảm thiểu chi phí, tận dụng kênh phân phối… Tầm nhìn sáp nhập là càng đi xa hơn, những con số sẽ thay đổi nhiều trong năm 2021.
Ngoài việc sáp nhập, tháng 8 này, Kido sẽ quay lại ngành cốt lõi là bánh kẹo, thừa hưởng được kênh hệ thống của thành viên, tiếp cận nhanh hơn với người tiêu dùng. Khác những ngành mới là có rủi ro, ngành bánh kẹo Kido rất am hiểu thị trường Việt Nam.
Ông khẳng định, từ đây đến cuối năm còn 4 tháng, mảng bánh kẹo của Kido sẽ có hiệu quả, mang lại lợi nhuận cộng hưởng cho Kido.
Chiến lược quay lại ngành cốt lõi của Kido là chọn những mặt hàng không những có size lớn mà còn có hiệu quả cao để sản xuất. Do đó, Kido tự tin sản xuất tới đâu hiệu quả tới đó chứ không phải thăm dò.
Đối với dự án Lavenue, Kido tham gia mua lại 50% đúng quy định pháp luật, chỉ có 50% của Nhà nước có vấn đề sau khi cơ quan điều tra làm rõ. Sắp tới đang chờ chủ trương của nhà nước hướng giải quyết đến khi nào tiếp tục thực hiện dự án.