Đầu tư điện mặt trời: Lãi ngay hàng trăm tỷ mỗi năm mà chỉ mất vài tháng xây dựng

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây ban hành Quy trình thử nghiệm và công nhận "Ngày vận hành thương mại - COD" cho các dự án điện tái tạo. Tài liệu quy định rõ các trình tự, thủ tục, các bước triển khai, trách nhiệm từng đơn vị trong việc đăng ký thử nghiệm và công nhận ngày vận hành thương mại cho các nhà máy điện mặt trời.
Các chủ đầu tư nay đã có đầy đủ dữ kiện để có thể chủ động triển khai dự án, nhằm cán đích đúng tiến độ (vận hành thương mại trước 31/12/2020) qua đó có thể hưởng mức giá mua ưu đãi theo Quyết định của Chính phủ. Đây là điểm then chốt, có ý nghĩa quan trọng đối với tính hiệu quả của các dự án.
Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN, từ nay đến cuối năm 2020 còn khoảng 36 nhà máy sẽ đóng điện và vận hành thương mại.
Năm ngoái, EVN cho biết đã công nhận COD cho 86 nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trước ngày 30/6/2019 để nhận ưu đãi. Tổng công suất phát của các nhà máy đạt gần 5.400 MWP.
Thời hạn giá ưu đãi đẩy các chủ đầu tư vào một cuộc đua hấp dẫn, như "củ cà rốt và con lừa". Dữ liệu của chúng tôi về kết quả kinh doanh của nhiều dự án điện mặt trời cho thấy đây thực sự là vùng đất màu mỡ và sơ khai với các doanh nghiệp. Nhất là khi đặt trong bối cảnh ưu đãi lớn từ Chính phủ và Việt Nam được dự báo thiếu điện trong nhiều năm tới.
Trên 10 dự án điện mặt trời quy mô lớn top đầu của Việt Nam đều đồng loạt báo lãi trong năm vừa rồi. Trong số này, có những dự án mới chỉ đi vào vận hành thương mại được vài tháng đến nửa năm.
Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng (Tây Ninh) công suất tối đa 420 MWP lớn nhất Đông Nam Á của liên doanh Công ty TNHH Xuân Cầu (Việt Nam) và Công ty TNHH B. Grimm Power Public (Thái Lan) đạt doanh thu 807 tỷ đồng, lãi sau thuế tới 456 tỷ đồng.
Điều đáng nói là Dầu Tiếng cũng mới chỉ khánh thành vào đầu quý IV năm ngoái, tức chưa đầy một quý. Nếu chạy full tải cả năm, dự án này có thể chạm mốc doanh thu ước lượng 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận 1.800 tỷ đồng chưa thuế. Đây thực sự là con số ấn tượng xét trên khía cạnh hiệu quả đầu tư.
Số liệu của BIM Renewable Energy cho thấy trường hợp của Dầu Tiếng không phải là ngẫu nhiên. Liên doanh của BIM Group và AC Renewables là chủ đầu tư cụm 3 nhà máy điện tại Ninh Thuận (BIM 1, BIM 2, BIM 3) công suất 330 MWP, khánh thành cuối tháng 4/2019. BIM Renewable Energy đạt doanh thu 703 tỷ đồng, lãi sau thuế 344 tỷ đồng.
Trung Nam Solar Power của Tập đoàn Trung Nam vận hành nhà máy Trung Nam Ninh Thuận công suất 258 MWP cũng đạt doanh thu trên 500 tỷ đồng, lãi ròng 131 tỷ đồng. Trung Nam Trà Vinh sở hữu nhà máy công suất 165 MWP doanh thu 275 tỷ đồng, lãi 94 tỷ.
Dự án TTP Phú Yên (Hòa Hội) 257 MWP do CTCP Tập đoàn Trường Thành Việt Nam liên doanh với tập đoàn B.Grim (Thái Lan) khánh thành cuối tháng 6/2019, nhưng báo doanh thu 407 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 135 tỷ đồng.
Các dự án lớn khác là Hồng Phong 1A – 1B của chủ đầu tư Tổng công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) tại Bình Thuận đem về 393 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 200 tỷ đồng. Hồng Phong 2 doanh thu 264 tỷ đồng, lãi ròng 70 tỷ đồng.
Hay như dự án của Tập đoàn Sunseap Việt Nam công suất 168 MW doanh thu 314 tỷ đồng, lãi sau thuế 59 tỷ đồng...
Tại tất cả các dự án kể trên, biên lợi nhuận gộp dao động trong khoảng 65% - 75%, đồng thời hầu như không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thực tế ngoài giá mua cao, ưu đãi về thuế cũng là một cú hích quan trọng đối với các chủ đầu tư điện tái tạo. Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 4/2020 nói rằng các doanh nghiệp có thể được nhận mức thuế xuất thuế TNDN 10% trong vòng 15 năm; miễn thuế 4 năm và giảm 50% thuế phải nộp trong vòng 9 năm tùy vào địa bàn thực hiện.
Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu cũng được miễn đối với hàng hóa tạo tài sản cố định; miễn thuế nhập khẩu 5 năm đối với nguyên liệu vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được phục vụ dự án.
Ngoài ra, các dự án cũng có thể có thêm ưu đãi miễn giảm tiền thuê đất theo từng địa phương…
Tuy vậy, đa phần dự án điện mặt trời đều sử dụng đòn bẩy tài chính cao, một đồng vốn cõng đến hai, ba thậm chí 5 đồng vay. Nhưng cũng nhờ làm điện tái tạo, nhiều khoản vay được tổ chức tài chính quốc tế cấp với lãi suất thấp, vô hình chung cũng trở thành lợi thế dành cho các chủ đầu tư trong lĩnh vực này.
Sức hấp dẫn của điện mặt trời đã được thể hiện qua các chỉ số tài chính ngay trong năm đầu tiên vận hành thương mại, vượt xa so với thủy điện và điện than khấu hao lớn. Đây cũng có thể là lời giải đáp thuyết phục cho câu hỏi, vì sao nhiều nhà đầu tư nội - ngoại tỏ ra hào hứng với điện tái tạo của Việt Nam.

Theo Nhịp sống kinh tế

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN