Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) là một trong những doanh nghiệp sở hữu lượng tiền nhàn rỗi nhiều nhất sàn chứng khoán.
Báo cáo tài chính vừa công bố cho thấy tại cuối quý II/2024, Đạm Phú Mỹ nắm giữ lượng tiền và tiền gửi ngân hàng hơn 9.700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 62% tổng tài sản. Con số này cao hơn gần 3.100 tỷ so với đầu năm và cao hơn 2.766 tỷ sau ba tháng.
Trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đem về 80 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, giảm 69% so với cùng kỳ. Trong đó lãi tiền gửi, tiền cho vay là 60 tỷ đồng.
Khoản doanh thu từ hoạt động tài chính nói trên đã góp phần gia tăng lợi nhuận sau thuế cho doanh nghiệp. Sau nửa đầu năm, Đạm Phú Mỹ lãi sau thuế 503 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu thuần chỉ tăng 4% lên 7.255 tỷ đồng.
Nắm giữ nhiều tiền như vậy nhưng Đạm Phú Mỹ vẫn đang vay nợ. So với đầu năm, công ty bắt đầu vay nợ tài chính ngắn hạn khi phát sinh mới số dư 1.682 tỷ đồng tại cuối tháng 6/2024. Chi phí lãi vay phải trả cho khoản nợ phát sinh này chưa tới 5 tỷ đồng.
|
Đạm Phú Mỹ đang tích trữ tiền cao nhất trong lịch sử kể từ khi lên sàn. |
|
Nhìn vào lịch sử trong hơn 10 năm trở lại đây có thể thấy, công ty phân bón này đã từng gần như không sử dụng đòn bẩy tài chính, đặc biệt là vốn vay ngắn hạn hoặc có chăng là số dư nợ rất thấp vào giai đoạn 2013 - 2016.
Từ năm 2017, dư nợ trung hạn của Đạm Phú Mỹ tăng đột biến, nguyên nhân do đầu tư vào dự án nâng công suất phân xưởng NH3 của nhà máy đạm Phú Mỹ và xây dựng nhà máy sản xuất phân bón NPK công nghệ hóa học do tổng công ty làm chủ đầu tư. Tổng Công ty đã thế chấp toàn bộ nhà xưởng, máy móc, thiết bị thuộc dự án để đảm bảo cho khoản vay trên.
Một doanh nghiệp phân bón khác cũng nắm cả núi tiền là Đạm Cà Mau (Mã: DCM) với số dư tiền và tiền gửi ngân hàng đến 10.672 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 63% tổng tài sản.
Đạm Cà Mau cũng gia tăng quy mô nợ vay lên gần 1.500 tỷ đồng, tăng 75% so với đầu năm. Trong 6 tháng qua, công ty đã đi vay thêm 3.855 tỷ đồng và đã trả nợ gốc vay 3.285 tỷ. Chi phí lãi vay chưa tới 4 tỷ đồng nhưng lãi tiền gửi lên tới 155 tỷ.
Khoản lãi từ tiền gửi ngân hàng cũng đã giúp gia tăng cho lợi nhuận sau thuế của Đạm Cà Mau với mức tăng trưởng 70% lên 919 tỷ đồng, trong khi doanh thu thuần chỉ tăng 10% lên 6.607 tỷ.
Như vậy có thể thấy, cả hai doanh nghiệp đầu ngành phân bón đều tích trữ rất nhiều tiền và đem gửi ngân hàng lấy lãi, trong khi đó vẫn sử dụng đòn bẩy tài chính với chi phí đi vay rẻ hơn rất nhiều.