Theo đó, CIG dự kiến phát hành 25 triệu cổ phiếu với mức giá 10.000 đồng/cp cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Thời gian phát hành trong năm 2023.
Trong khi đó trên thị trường, đóng cửa phiên ngày 8/9, cổ phiếu CIG bật trần lên mức 7.590 đồng/cp, ghi nhận mức tăng gần 19% trong vòng 3 tháng qua. Thanh khoản bình quân không cao khi chỉ gần 300 ngàn cổ phiếu được sang tay mỗi phiên.
Như vậy, CIG đưa ra mức giá phát hành hiện cao hơn thị giá 31%.
Dự kiến vốn thu được từ đợt chào bán khoảng 250 tỷ đồng, CIG sẽ chi 174 tỷ đồng bổ sung vốn góp của dự án Khu công nghiệp Kim Thành - Hải Dương, còn lại gần 76 tỷ đồng để trả nợ một phần gốc vay PVcomBank.
CIG cũng công bố danh sách 6 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ được mua cổ phiếu đều là cá nhân.
Vừa qua, CIG cũng công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2023 với lợi nhuận sau thuế điều chỉnh giảm 60% so với báo cáo tự lập xuống còn hơn 5 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 7,6 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính đến từ chi phí quản lý doanh nghiệp của CIG tăng mạnh từ 3,5 tỷ đồng lên gần 11 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 2 lần. Chi phí này tăng do CIG hạch toán bổ sung dự phòng công nợ phải thu khó đòi hơn 7,2 tỷ đồng, dẫn tới chi phí quản lý tăng so với BCTC tự lập.
Với kết quả sau soát xét, CIG ghi nhận doanh thu thuần 44 tỷ đồng (tăng 59% so với cùng kỳ) và lãi ròng 5 tỷ đồng, cải thiện so với số lỗ gần 6 tỷ đồng cùng kỳ.
Tổng tài sản của CIG tính tới cuối quý 2/2023 ở mức 720 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 1% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm phần lớn cơ cấu tài sản của CIG, ở mức 495 tỷ đồng (phần lớn nằm ở phải thu ngắn hạn khác). Trong đó, Công ty dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 19 tỷ đồng.