Sản lượng nội địa yếu ở mặt hàng Ure so với cùng kỳ trong khi giá bán giảm từ cuối Q1/2022
Sản lượng tiêu thụ Ure trong 6 tháng đầu năm đạt 400 nghìn tấn. Nếu loại trừ 160 nghìn tấn xuất khẩu, phần sản lượng tiêu thụ trong nước ước chỉ đạt 240 nghìn tấn, giảm 24% so với cùng kỳ. Giá phân bón tăng mạnh trong khi giá các loại nông sản hay gạo ít biến động là nguyên nhân chính khiến cho nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm.
Về mặt giá bán, sau khi đạt đỉnh trong tháng 3/2022, giá Ure duy trì xu hướng giảm đến thời điểm hiện tại. Tính trung bình, giá bán của DPM trong Q2/2022 đạt 15.500 đồng/kg so với 17.100 đồng/kg trong Q1/2022. Tuy nhiên vẫn cao hơn 79% so với cùng kỳ.
Sản lượng tiêu thụ nửa đầu năm đạt 85 nghìn tấn và tăng nhẹ so với cùng kỳ. Với việc giá phân đơn tăng cao, người nông dân có xu hướng dịch chuyển sang mặt hàng NPK – có giá thành thấp hơn. Giá bán trung bình 6 tháng đầu năm bằng 174% so với cùng kỳ.
DPM có lợi thế ở mảng NPK so với các đối thủ khác khi tự chủ được nguồn phân Ure, một nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất NPK. Với lợi thế đó, DPM có thể duy trì mặt bằng giá cạnh tranh để đẩy mạnh việc tiêu thụ.
Lợi nhuận được dự báo giảm dần trong nửa cuối năm và qua năm 2023
VDSC ước tính LNST của DPM đạt 1.094 tỷ đồng trong Q2/2022, tăng 57,8% so cùng kỳ nhưng giảm 48,5% so với Q1/2022. Sản lượng tiêu thụ thấp đi cùng với giá bán giảm trong khi chi phí giá khí có xu hướng tăng nhẹ đã ảnh hưởng lên biên gộp của mảng Ure trong Q2/2022.
Trong cả năm 2022, ước tính doanh thu và lợi nhuận của DPM lần lượt đạt 16.670 tỷ đồng (tăng 30,4%) và 4.366 tỷ đồng (tăng 40,1%). Giả định giá bán Ure cả năm 2022 chỉ tăng 35% so với mức 41% trước đó.
Có thể thấy rằng lợi nhuận nửa cuối năm 2022 chỉ đạt 1.145 tỷ đồng so với 3.221 tỷ đồng của nửa đầu năm. VDSC cho rằng xu hướng điều chỉnh giá của mặt hàng Ure sẽ tiếp diễn trong thời gian tới khi nhu cầu mặt hàng này ở mức thấp và Nga đã bắt đầu xuất khẩu lại mặt hàng này trong tháng 6. Hiện giá Urea FOB thế giới đang ở mức 500 USD/tấn – 600 USD/tấn so với mức đỉnh 900 USD/tấn – 1.000 USD/tấn trong Q1/2022.
Đối với năm 2023, VDSC cho rằng lợi nhuận của DPM sẽ tiếp tục giảm 44,9% với giả định giá Ure trung bình đạt 10.000 đồng/kg và biên lợi nhuận gộp Ure 37%.
Nhưng cổ tức tiền mặt là điểm hấp dẫn với DPM trong giai đoạn 2022-2023 sắp tới
Dù lợi nhuận có xu hướng giảm trong thời gian tới nhưng điểm hấp dẫn của DPM nằm ở khả năng chi trả cổ tức cao dựa trên nền lợi nhuận tích cực của công ty trong 2 năm gần đây.
Đại hội cổ đông 2022 đã thông qua mức cổ tức tiền mặt 5.000 đồng/cp/năm cho năm 2021 và 2022 (đã ứng trước 1.000 đồng/cp). Điều này đồng nghĩa với việc mức cổ tức 9.000 đồng/cp trong giai đoạn 2 năm tới.
Dù lợi nhuận 2023 có khả năng giảm so với 2022 nhưng VDSC cho rằng DPM vẫn có thể duy trì mức cổ tức 3.000 đồng trong năm tiếp theo. Tổng cộng mức cổ tức tiền mặt nhìn trong 3 năm tới lên đến 12.000 đồng/cp ~ tỷ suất cổ tức 24% trong 3 năm tại mức giá thị trường của DPM hiện tại.
Tuy nhiên, rủi ro trong việc tính toán cước phí vận chuyển sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả cổ tức của DPM. Gần đây nhất, sau khi tính toán lại các hợp đồng mua bán khí giai đoạn 2014-2018, DPM phải đóng thêm 18,09 triệu USD (chưa VAT) phần chênh lệch cước phí trong giai đoạn trên. Nhưng vấn đề này chưa được ĐHCĐ 2022 thông qua.