Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ báo lãi khủng quý 3, cổ phiếu được đà hút tiền
Báo cáo tài chính quý 3 cho thấy nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành phân bón thu về lợi nhuận đột biến trong thời kỳ hoạt động kinh tế chung đều bị đình trệ, suy thoái kinh tế toàn cầu.
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM), doanh nghiệp chuyên sản xuất phân Urê ghi nhận mức doanh thu thuần 2.018 tỷ đồng, tăng trưởng đến 36% so cùng kỳ. Lãi ròng ở mức 101 tỷ đồng, gấp đến 14 lần so với con số lãi cùng kỳ năm trước.
Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết, do có đột biến về nhu cầu và giá Urê thế giới nên Công ty đã tận dụng cơ hội, tìm kiếm các thị trường tiềm năng để xuất khẩu nên lượng tiêu thụ vượt kế hoạch.
Cùng với đó, do hưởng lợi từ giá dầu giảm kéo theo giá khí đầu vào thấp hơn giá kế hoạch, nên lợi nhuận thu về tăng mạnh.
|
Ngành phân bón có kết quả đột phá trong quý 3. |
Bên cạnh đó, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, HoSE: DPM) hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón trong quý 3/2020 và 9 tháng đầu năm diễn biến khả quan, các nhà máy sản xuất phân bón và hóa chất được vận hành hiệu quả, đạt công suất tối ưu trong bối cảnh công ty tăng cường kiểm soát chi phí, tiết kiệm định mức năng lượng so với kế hoạch.
Mặc dù thị trường trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài và thời tiết diễn biến bất lợi. Tuy nhiên, Công ty đã sớm chủ động xây dựng và triển khai gói giải pháp ứng phó với khủng hoảng, cho nên sản lượng tiêu thụ các mặt hàng phân bón và hóa chất tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.
Kết quả, DPM cũng báo lãi lớn gấp 3 lần so với cùng kỳ, đạt 183 tỷ đồng trong quý 3/2020.
Theo ghi nhận, chỉ có nhà máy của Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ sử dụng khí làm nguyên liệu đầu vào, các nhà máy còn lại sử dụng than làm nguyên liệu chính. Do đó, nhìn chung, việc giá khí giảm trong năm 2020 mang lại lợi ích trực tiếp cho DCM và DPM.
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến ngày 5/11, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết với thị trường phân bón, mặc dù giá ure trong nước duy trì ở mức thấp, giao dịch chậm do vào giai đoạn thấp điểm của thị trường cũng như ảnh hưởng từ tình hình bão lụt kéo dài.
Tuy nhiên, nhờ sự năng động trong tìm kiếm, tận dụng cơ hội xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ trong tháng 10 của 2 nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau tiếp tục đạt được kết quả tích cực. Đạm Phú Mỹ đạt 100% kế hoạch và Đạm Cà Mau đạt 130% kế hoạch sản lượng tháng (chủ yếu do đơn hàng xuất khẩu).
Với tình hình tiêu thụ tốt, sản lượng sản xuất phân bón trong tập đoàn duy trì ở mức cao, tháng 10 vượt 42,7% kế hoạch; lũy kế 10 tháng vượt 11,9% kế hoạch.
|
Cổ phiếu DCM, DPM tăng trưởng mạnh trong 1 năm qua. |
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DCM đang được nhà đầu tư mua bán ở vùng giá cao nhất trong mấy năm trở lại đây. Hiện DCM đang giao dịch quanh mức 12.700 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 100% so với thời điểm đầu năm.
Còn DPM được giao dịch ở mức giá 17.150 đồng/cổ phiếu, tăng 60% so với thời điểm đầu năm. Thanh khoản ở nhóm cổ phiếu này cũng gia tăng so với những tháng trước đó.
Ngoài DCM và DPM, một số doanh nghiệp khác như Phân bón Lâm Thao (LAS), Phân bón Bình Điền (BFC), Phân bón miền Nam (SFG), Phân lân nung chảy Văn Điền (VAF) cũng thu về kết quả ấn tượng trong quý 3 vừa qua.
Chờ đợi chính sách để ngành phân bón bứt phá
Bộ Tài chính gần đây đã trình Chính phủ bản dự thảo luật sửa đổi Luật thuế 71, trong đó phân bón được thay đổi từ không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) sang chịu thuế GTGT 5%. Dự kiến bản dự thảo sẽ được thảo luận và thông qua trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 đang diễn ra. Nếu được thông qua, chính sách mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng chính sách mới sẽ tạo ra một bước ngoặt lịch sử trong tiến trình phát triển của ngành phân bón, tăng cường sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa với phân bón nhập khẩu, từ đó tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành. Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp đều có thể hưởng lợi. Việc tận dụng chính sách mới phụ thuộc vào sản phẩm và loại hình kinh doanh.
Trên quy mô toàn ngành, phân bón nội địa sẽ gia tăng sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Tuy nhiên, tác động lên từng doanh nghiệp là không giống nhau do sự khác biệt về sản phẩm và loại hình kinh doanh.
Các doanh nghiệp sản xuất phân ure (DPM, DCM, DHB và Đạm Ninh Bình) sẽ hưởng lợi nhiều nhất do đầu vào của các doanh nghiệp này là khí tự nhiên hoặc than đá chịu thuế 10%.
Các doanh nghiệp sản xuất phân lân đơn/DAP (VAF, NFC và DDV) là nhóm hưởng lợi thứ hai do đầu vào của các doanh nghiệp này chủ yếu sử dụng quặng apatit chịu thuế 5%, bên cạnh than đá chịu thuế 10%.
Các doanh nghiệp sản xuất phân NPK từ phân đơn (BFC và SFG) và các doanh nghiệp thương mại không hưởng lợi do đầu vào là phân thành phẩm không chịu thuế VAT tương tự như đầu ra. Khi chính sách mới có hiệu lực, thuế áp lên cả đầu vào và đầu ra cũng như nhau ở mức 5%.
LAS là một ngoại lệ với khả năng tự sản xuất phân lân làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất NPK. VDSC cho rằng LAS sẽ hưởng lợi từ quy định mới tương tự nhóm doanh nghiệp phân lân.