Nếu giao dịch thành công, Tập đoàn Long Giang sẽ tăng sở hữu từ hơn 10,4 triệu cp (20,21%) lên 12,4 triệu cp (24,09%) LGL. Giao dịch theo phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh trên sàn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/11, cổ phiếu LGL dừng tại mức 4.240 đồng/cp, ghi nhận lao dốc gần 54% trong vòng 1 năm qua. Khối lượng giao dịch èo uột khi bình quân chỉ vài chục ngàn cổ phiếu mỗi phiên.
Chiếu theo mức giá này, Tập đoàn Long Giang dự chi ra khoảng hơn 8 tỷ đồng cho giao dịch trên.
Ngoài Tập đoàn Long Giang, Chủ tịch Lê Hà Giang cũng là cổ đông lớn thứ hai với tỷ lệ nắm giữ 21,37% vốn.
Sự rớt giá của cổ phiếu LGL cũng dễ hiểu khi mà kết quả kinh doanh trong quý 3 lao dốc thảm hại. Cụ thể, doanh thu thuần quý 3/2020 của LGL giảm tới 51% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 53 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm mạnh kéo theo đó là lợi nhuận gộp cũng giảm 96%, xuống còn hơn 1 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu tài chính tăng 15%, đạt gần 41 tỷ đồng so với quý 3 năm 2019.
Chi phí tài chính trong kỳ tăng 73% (chiếm hơn 45 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 17% (chiếm 7.5 tỷ đồng). Nhưng Công ty không ghi nhận chi phí bán hàng trong khi khoản chi phí này chiếm gần 11 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Kết quả, trong quý 3/2020, LGL báo lỗ hơn 11 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước Công ty báo lãi đạt gần 20 tỷ đồng. Ghi nhận quý thứ 2 liên tiếp LGL chìm trong thua lỗ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, kết quả từ việc kinh doanh dưới giá vốn đã làm cho LGLlỗ gộp gần 24 tỷ đồng. LGL báo lỗ ròng 69.5 tỷ đồng.