TCG Solutions Pte.Ltd thuộc quản lý của Thai Containers Group Co., Ltd - Công ty thành viên Tập đoàn SCG (Thái Lan) vừa thông báo đã mua thành công hơn 12 triệu cổ phiếu SVI của CTCP Bao bì Biên Hòa như đã đăng ký trước đó.
Giao dịch được thực hiện thông qua hệ thống chuyển quyền sở hữu của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam từ 16-17/12.
Như vậy SCG đã sở hữu 94,1% vốn điều lệ doanh nghiệp bao bì này. Với tỷ lệ này, SCG sẽ nắm toàn quyền chi phối tại SVI, không bị các cổ đông khác phủ quyết các quyết định quan trọng.
|
SCG chính thức thôn tính xong Bao Bì Biên Hoà. |
Theo nhiều nguồn tin, SCG cho biết giá mua lại cổ phiếu SVI từ các cổ đông hiện hữu của công ty Việt Nam là 171.450 đồng/cp. Mức định giá này cao hơn 70% so với thị giá 100.000 đồng của cổ phiếu SOVI đang giao dịch tại HoSE. Như vậy, SCG chi tổng cộng 2.070 tỷ đồng, tương đương 89 triệu USD để thâu tóm SVI.
Trước đó, dàn lãnh đạo của Bao bì Biên Hòa cũng đã được thay đổi và thuộc về tay người Thái. Cụ thể, ông Suchai Korprasertsri - Giám đốc TCG Solutions Pte. Ltd kiêm Giám đốc điều hành Thai Containers Group Co., Ltd - được bầu làm Chủ tịch HĐQT SVI. Ông hiện không nắm giữ cổ phiếu SVI.
Còn ông Ekarach Sinnarong được bổ nhiệm làm Tổng Giám SVI thay cho ông Đặng Ngọc Diệp. Hiện, ông cũng là Tổng giám đốc Công ty Công Nghiệp Tân Á, một doanh nghiệp thuộc SCG tại Việt Nam.
Bao bì Biên Hòa là doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì thành lập năm 1968. Vốn điều lệ hiện tại của doanh nghiệp là 128 tỷ đồng. Năm 2019, SVI đạt doanh thu 1.700 tỷ và lợi nhuận 141 tỷ đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp đến cuối tháng 9 là 1.056 tỷ đồng.
Tập đoàn SCG bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ năm 1992. Hiện, SCG có hơn 20 công ty con tại Việt Nam hoạt động trên 3 lĩnh vực gồm hóa dầu, bao bì và xi măng - vật liệu xây dựng. SCG trước đó đã thực hiện nhiều thương vụ mua lại các doanh nghiệp Việt như Bao bì Tín Thành, Nhựa Bình Minh, Prime Group.
Dự án lớn nhất hiện tại của SCG tại Việt Nam là Tổ hợp Hóa dầu miền Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD. Tập đoàn Thái Lan sở hữu 100% vốn siêu dự án này.