Chân dung các doanh nhân thế hệ 7X

Nhắc đến thế hệ 7X của Việt Nam, người ta sẽ nói về một lớp người sung sức và đặc biệt. 

Chan dung cac doanh nhan the he 7X

Chân dung các CEO thế hệ 7X. Ảnh: Trọng Hiếu.

Họ vừa có sự giao thoa khi vừa lưu giữ và ấn tượng sâu sắc về những giá trị văn hóa Việt Nam thời trước, vừa đủ có sự năng động, quyết tâm để sẵn sàng hội nhập với thế giới toàn cầu. Do đó, không khó để điểm tên nhiều doanh nhân đang đảm trách vai trò Tổng giám đốc - vị trí đóng vai trò quan trọng tại nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn. 

Cái tên đầu tiên có thể kể đến trong lứa 7X là bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm CEO VinFast toàn cầu.

Trước khi gia nhập Vingroup, VinFast, bà có một "profile" ấn tượng khi tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội; Thạc sĩ MBA Trường Đại học Quốc tế Nhật Bản. Sau đó, bà còn tham gia Chương trình tín dụng của cộng đồng Châu Âu tại Việt Nam (giai đoạn 1996-1998), Phó Chủ tịch Lehman Brothers tại Nhật Bản, Thái lan và Singapore (2000-2008).

Chan dung cac doanh nhan the he 7X-Hinh-2

Bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm CEO VinFast toàn cầu. Ảnh Vinfast.

Khi gia nhập Vingroup, với vai trò là Trưởng ban Đầu tư và sau này là Phó chủ tịch Tập đoàn phụ trách đầu tư, bà Thủy đã trực tiếp thực hiện nhiều thương vụ quan trọng có ảnh hưởng với đối tác nước ngoài như phát hành 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế của Vincom vào năm 2009 và 185 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế của Vingroup vào năm 2012.

Ngày 12/3/2013, tại Geneva (Thụy Sỹ), bà Lê Thị Thu Thủy, lúc đó là Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup đã được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) bình chọn là một trong 199 "Lãnh đạo trẻ toàn cầu 2013" - Young Global Leaders (YGL) Class of 2013.

Dưới sự dẫn dắt của bà Thủy, bên cạnh tạo vị thế ở thị trường trong nước, VinFast cũng đang từng bước gia nhập thị trường với những đón nhận tích cực. Sau lô xe thứ 2 xuất khẩu sang Mỹ và Canada vào tháng 4/2023, dự kiến xe VinFast cũng sẽ hiện diện tại Pháp, Đức, Hà Lan ngay trong năm nay. Tờ Reuters từng nhận định bà Lê Thị Thu Thủy là một trong số ít nữ tướng của ngành ô tô thế giới có đủ khả năng "thách thức" ông trùm xe điện Elon Musk với đế chế Tesla hùng mạnh.

Chan dung cac doanh nhan the he 7X-Hinh-3

Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật EWH. Ảnh EWH

Dù khá kín tiếng, song ông Nguyễn Cảnh Hồng (sinh năm 1971) là gương mặt cần được nhắc đến. Sinh ra tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, doanh nhân sinh năm 1971 này đã cùng anh trai của mình là ông Nguyễn Cảnh Sơn, sáng lập và xây dựng Tập đoàn Eurowindow Holding. Ông Hồng còn là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa V, doanh nhân trẻ Sao Đỏ năm 2008, cuối năm 2018 ông là Chủ tịch Câu lạc bộ Sao Đỏ.

Được thành lập từ năm 2007, Eurowindow Holding (EWH) là cái tên có thừa tiếng tăm. Đây là pháp nhân lõi trong Tập đoàn Eurowindow của anh em doanh nhân Nguyễn Cảnh Sơn-Nguyễn Cảnh Hồng. Hiện tại, ông Nguyễn Cảnh Hồng là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty này.

Sau hơn 16 năm xây dựng, Eurowindow Holding hiện nay không đơn thuần là một công ty sản xuất cửa nhựa hàng đầu tại Việt Nam, mà đã trở thành một tập đoàn đa ngành, sở hữu, chi phối hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ cửa sổ nhựa, trung tâm thương mại, đến xây dựng và bất động sản với loạt dự án tầm cỡ có thể kể đến như Eurowindow Garden City tại Thanh Hóa (vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng); Eurowindow River Park tại Hà Nội (2.000 tỷ đồng); Hai dự án quy mô 3.500 tỷ đồng ở Quốc Oai - Hà Nội.

Chan dung cac doanh nhan the he 7X-Hinh-4

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng giám đốc Sacombank. Ảnh Sacombank

"Nữ tướng" 7X Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng là cái tên ghi nhiều dấu ấn trên thương trường.

Cầm tinh con trâu (Quý Sửu 1973), CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm có trình độ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Nữ tướng này có tới 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế – tài chính – ngân hàng và bắt đầu công tác tại Sacombank từ năm 2002.

Trước khi ngồi "ghế nóng" Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm là Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng xử lý nợ, đây cũng chính là vấn đề trọng tâm của đề án tái cơ cấu của nhà băng này. Vị nữ CEO tuổi Sửu này cũng từng là Phó Tổng giám đốc phụ trách khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên của Sacombank và đã dẫn dắt khu vực này đạt được nhiều thành tích ấn tượng liên tục nhiều năm liền.

Khi nhận xét về bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, các cộng sự công nhận bà không chỉ là một CEO rất biết truyền cảm hứng mà còn vô cùng mạnh mẽ và quyết đoán. Đặc biệt, dưới sự dẫn dắt của CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm, cùng sự lèo lái của Chủ tịch Dương Công Minh, đến nay Sacombank đã từng bước đi qua khó khăn, và tái lập vị thế trên thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam. Năm 2023, Sacombank lên kế hoạch tổng tài sản năm đạt 657.800 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Tổng nguồn vốn huy động dự kiến đạt 574.600 tỷ đồng, tăng 11%. Bên cạnh đó, mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng là 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với mức thực hiện năm 2022.

Chan dung cac doanh nhan the he 7X-Hinh-5

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Ảnh Internet

Sáng lập thương hiệu King Coffee, bà Lê Hoàng Diệp Thảo sinh năm 1973 là gương mặt đáng chú ý trong danh sách CEO thế hệ 7X.

Nữ doanh nhân tuổi Sửu này sinh ra trong một gia đình kinh doanh vàng bạc tại tỉnh Gia Lai. Ở giữa mảnh đất thủ phủ cà phê, bà Thảo đã sớm cảm nhận được nguồn lợi từ cà phê mang lại cho phố núi. Suốt từ năm 1998 đến đến cuối năm 2014 bà là người đồng sáng lập và đồng sở hữu Tập đoàn Trung Nguyên cùng ông Đặng Lê Nguyên Vũ. 

Khởi nghiệp trong ngành cà phê từ thập niên 90, bà Lê Hoàng Diệp Thảo ngày càng chứng minh được bản lĩnh vượt trội của mình trên thương trường. Theo đó, sau khi ly thân với chồng, bà Thảo mở công ty riêng về cà phê. King Coffee là một trang mới trong sự nghiệp kinh doanh của bà Lê Hoàng Diệp Thảo với vai trò Tổng giám đốc TNI Corporation.

Nói về cái tên "King Coffee", bà Thảo cho biết đây là khát vọng xây dựng nên thương hiệu cà phê huyền thoại, và việc sử dụng một thương hiệu mang tính toàn cầu sẽ giúp sản phẩm có thể phát triển ở thị trường quốc tế.

King Coffee nhanh chóng gây được tiếng vang trên thị trường cà phê thế giới từ khi chính thức ra mắt tại Mỹ vào tháng 10/2016, sau đó là các thị trường lớn khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, Úc, Singapore, Dubai…Tháng 7/2017, bà Thảo đưa King Coffee trở về phục vụ thị trường nội địa. Trong thời gian rất ngắn, dưới sự điều hành của bà, công ty đã triển khai thành công hệ thống phân phối sản phẩm khắp 63 tỉnh thành trong nước cùng sự đón nhận của rất nhiều người yêu cà phê Việt.

Với những bước đi chắc chắn, King Coffee đã đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý, đặc biệt giữa năm 2022, King Coffee được Tạp chí Global Business Reviews bình chọn là thương hiệu cà phê tăng trưởng nhanh nhất tại UAE.

Chan dung cac doanh nhan the he 7X-Hinh-6

Doanh nhân Nguyễn Thành Phương. Ảnh Kangaroo

Cùng thế hệ 7X, doanh nhân Nguyễn Thành Phương (SN 1978) được biết đến là người sáng lập CTCP Tập đoàn Điện lạnh Điện máy Việt Úc với thương hiệu Kangaroo nổi tiếng trong nhiều năm qua.

Không giống như nhiều đại gia khác thường có gia thế hiển hách, CEO Nguyễn Thành Phương sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, bên con sông Nhuệ ở ngoại thành Hà Nội.

Lớn lên, CEO Nguyễn Thành Phương theo học và tốt nghiệp trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Quãng thời gian này cũng là lúc ông cùng bạn bè lặn lội, làm đủ nghề kiếm sống. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Nguyễn Thành Phương đã sang Malaysia hoàn thành luận án Tiến sĩ, trước khi cùng với một người bạn học của mình sang Trung Quốc tìm tòi con đường khởi nghiệp.

Lĩnh vực máy lọc nước là dự án start up của ông và cộng sự vào năm 2000 với hơn 200 chiếc máy lọc nước nhập khẩu. Dù tổng số tiền vốn ban đầu vỏn vẹn có 148 triệu đồng, trong đó phần nhiều là tiền vay mượn, song ông Nguyễn Thành Phương đã khá thành công khi đưa CTCP Tập đoàn Điện lạnh Điện máy Việt Úc trở nên nổi tiếng tại Việt Nam với lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là bình nóng lạnh và máy lọc nước.

Đến nay sau hơn 20 năm, công ty của ông Nguyễn Thành Phương đã nhanh chóng phát triển thành tập đoàn công nghệ toàn cầu. Hiện, ông Nguyễn Thành Phương đang giữ vai trò Tổng giám đốc toàn cầu Tập đoàn Kangaroo.

Một cái tên khác trong danh sách CEO 7X là ông Trần Huy Thanh Tùng, CEO CTCP Thế giới Di Động (từ tháng 3/2022). Ông Trần Huy Thanh Tùng sinh năm 1970, có trình độ là cử nhân kinh tế trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.  

So với các nhân vật gạo cội khác tại Thế giới Di động, ông Trần Huy Thanh Tùng là người khá kín tiếng. Thế nhưng ông Tùng lại là 1 trong 5 "khai quốc công thần" làm nên lịch sử của công ty này, bên cạnh các ông Lê Quân, Nguyễn Đức Tài, Đinh Anh Huân, Điêu Chính Hải Triều. Để mời ông Trần Huy Thanh Tùng về Thế giới Di động, ông Nguyễn Đức Tài từng chia sẻ phải mất tới 6 tháng thuyết phục.

Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí CEO, ông Tùng cũng từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng của công ty như: Trưởng ban kiểm soát, chủ tịch ủy ban kiểm toán… Từ tháng 4/2019, ông Tùng được bổ nhiệm là Thành viên HĐQT không điều hành của MWG. Doanh nhân này hiện nắm giữ hơn 11 triệu cổ phiếu MWG (tương ứng với tỷ lệ sở hữu 0,76%) với giá trị hơn 430 tỷ đồng.

Chan dung cac doanh nhan the he 7X-Hinh-7

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc CTCP FPT

Cùng trong lĩnh vực công nghệ, doanh nhân sinh năm 1977 Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc CTCP FPT (từ tháng 3/2019) cũng là gương mặt đáng chú ý.

Khi mới ở tuổi 20, ông là nhân viên triển khai, hỗ trợ kỹ thuật mạng Trí tuệ Việt Nam. Một năm sau, doanh nhân gốc Hà Nội này nhanh chóng giữ chức trưởng phòng, cụ thể từ là năm 1998 – 2003, ông đã trải qua các vị trí Trưởng phòng Dự án, Trưởng phòng Quảng cáo và Phát triển và Trưởng phòng Hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm FPT Internet (thuộc FPT).

Tiếp sau đó, ông là Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng thuộc FPT Telecom (năm 2003 – 2005), Phó giám đốc Kinh doanh – Chi nhánh Công ty FPT Telecom Hà Nội, Giám đốc chi nhánh FPT Telecom tại Hải Phòng (năm 2006 – 2007), Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Viễn thông Quốc tế FPT thuộc FPT Telecom (năm 2008 – 2010).

Sau nhiều năm gắn bó và cống hiến, ông được bổ nhiệm là Tổng giám đốc FPT Telecom, lãnh đạo đội ngũ 14.000 người vào năm 2012, khi mới 35 tuổi, qua đó trở thành một trong những lãnh đạo trẻ của tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam.

Tháng 3/2018, ông được luân chuyển làm Phó Tổng giám đốc FPT, Tổng giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) trong chương trình quy hoạch và đào tạo đội ngũ lãnh đạo kế cận Tập đoàn FPT. Và sau 1 năm, ông Khoa chính thức ngồi vào ghế CEO của tập đoàn FPT, chịu trách nhiệm điều hành đế chế công nghệ.

Trong suốt thời kỳ làm Tổng giám đốc FPT Telecom, ông Khoa đã cùng các cán bộ quản lý nòng cốt đưa ra những quyết sách và tầm nhìn mới mẻ, giúp cho đơn vị này giữ vững vị trí Top 3 công ty cung cấp dịch vụ internet hàng đầu Việt Nam, sở hữu hạ tầng Viễn thông, Internet và Truyền hình phủ rộng 63 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh các cái tên kể trên, danh sách doanh nhân 7X còn nhiều cái tên tài năng khác như: Ông Đỗ Ngọc Quỳnh – cựu quyền Tổng giám đốc VNDirect, hiện là Tổng Thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), ông Trần Ngọc Tâm – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank),...

Theo Khánh An/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN