Chân dung 2 lãnh đạo doanh nghiệp sàn chứng khoán lọt Top 10 doanh nhân tiêu biểu 2022

Ngày 12/10, hai vị Chủ tịch của Tập đoàn Công nghệ CMC (HoSE: CMG) Nguyễn Trung Chính và Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) Huỳnh Văn Thòn được vinh danh “Top 10 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu nhất 2022”.
Chủ tịch CMC - "Cháy Mà Có"
Ông Nguyễn Trung Chính (SN 1963) tại Nam Định, là Kỹ sư Điện tử - Viễn Thông của Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 1987. Sau khi tốt nghiệp ông được nhận vào làm ở Viện Nghiên cứu công nghệ Quốc gia.
Năm 1993, khi Luật Doanh nghiệp tư nhân ra đời, ông cùng ông Hà Thế Minh (cố Chủ tịch Tập đoàn CMC), quyết định thành lập Công ty TNHH HT&NT, tiền thân của Tập đoàn CMC sau này. Sau khi kinh qua nhiều vị trí khác nhau, ông Nguyễn Trung Chính hiện tại đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch điều hành của CTCP Tập đoàn CMC (CMC Corp).
Chan dung 2 lanh dao doanh nghiep san chung khoan lot Top 10 doanh nhan tieu bieu 2022
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC 
Dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Trung Chính, CMG đã ghi nhận những kết quả kinh doanh tích cực, riêng năm 2011 công ty lần đầu báo lỗ nặng hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên CMG đã vực dậy đạt lợi nhuận tăng trưởng trong những năm sau đó với mức lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Trong đó năm 2021, CMG đạt mức lãi kỷ lục nhất từ trước tới nay với hơn 241 tỷ đồng dù năm liền trước đó giảm sút nghiêm trọng.
Chan dung 2 lanh dao doanh nghiep san chung khoan lot Top 10 doanh nhan tieu bieu 2022-Hinh-2
 Các chỉ số tài chính của CMG trong những năm qua (Nguồn: VietstockFinance)  
Năm 2022, CMG đặt mục tiêu doanh thu thuần 7.943 tỷ đồng, tăng 26% so năm 2021; lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng, nhích nhẹ 1% so năm trước. 
Theo CMG, để đạt được thành công như ngày hôm nay, doanh nhân Nguyễn Trung Chính đã phải trải qua vô vàn thách thức khắc nghiệt. Ngay từ công việc đầu tiên của mình, ông Chính đã gặp thử thách lớn với việc Viện Nghiên cứu công nghệ Quốc gia bị cháy năm 1989, thiêu rụi toàn bộ tài liệu, sản phẩm, máy tính phục vụ nghiên cứu. 
Sự kiện này tạo ra cú sốc rất lớn, nhưng cũng nhờ đó mà ông Chính nhận ra, phải chuyển đổi số để bảo tồn tài liệu, bảo tồn tri thức. Sau này, khi đổi tên công ty thành CMC (viết tắt của Chính – Minh – Cộng sự), nhưng cũng có thể hiểu là “Cháy Mà Có” nhờ sự kiện năm 1989 đấy.
Hiện CMG có vốn điều lệ gần 1.090 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là Samsung SDS Asia Pacific (30%), Công ty TNHH Đầu tư MVI (13,54%), PYN Elite Fund (5,06%). Riêng ông Chính nắm giữ 0,76% vốn CMG.
Cổ phiếu CMG niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 1/2010. CMG đóng cửa phiên ngày 12/10 tại mốc 40.600 đồng/cp, ghi nhận mức tăng 171% kể từ khi niêm yết (tính theo giá điều chỉnh).
Chủ tịch LTG - Giúp lúa gạo Việt “không còn vô danh”
Ông Huỳnh Văn Thòn (SN 1958) tại An Giang, là Kỹ sư Kinh tế. Trước khi gắn bó với Tập đoàn Lộc Trời, ông Thòn từng có thời gian công tác tại Sở Nông nghiệp tỉnh An Giang (nay là Sở NN&PTNT), Phó Giám đốc rồi Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh An Giang.
Tập đoàn Lộc Trời tiền thân là CTCP Bảo vệ thực vật An Giang, nổi tiếng là là nhà sản xuất và kinh doanh thuốc trừ sâu lớn của Việt Nam. Ngoài kinh doanh thuốc trừ sâu, Tập đoàn Lộc Trời còn là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo với quy mô trên 80.000 tấn gạo/năm, chủ yếu xuất khẩu sang những thị trường lớn như châu Âu, Đông Nam Á.
Theo LTG, vinh dự này là sự ghi nhận những nỗ lực của cá nhân ông trong việc giữ vững và phát triển Lộc Trời từ một đơn vị chuyên doanh nhỏ, sau gần 30 năm đã trở thành tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, giúp lúa gạo Việt “không còn vô danh” trên thương trường quốc tế.
Chan dung 2 lanh dao doanh nghiep san chung khoan lot Top 10 doanh nhan tieu bieu 2022-Hinh-3
 Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời
Trong thời gian giữ vị trí đầu tàu của Lộc Trời từ 2004 đến nay, Lộc Trời đã ghi nhận những kết quả kinh doanh đáng ngưỡng mộ với mức lợi nhuận hàng năm từ hàng trăm tỷ đồng. Chỉ ngoại trừ năm 2007 Lộc Trời bỗng sụt giảm lợi nhuận còn hơn 14 tỷ đồng, ngược lại năm 2014 lại đạt mức lãi lớn nhất từ trước đến nay với hơn 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quý 2/2022 vừa qua, Lộc Trời bất ngờ báo lỗ 46 tỷ đồng do các loại chi phí đều tăng mạnh. Việc thua lỗ quý 2 cũng kéo lùi thành tích kinh doanh của LTG trong nửa đầu năm với lãi ròng giảm 40%, còn đạt 138 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Lộc Trời đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, Tập đoàn mới thực hiện được 34,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Chan dung 2 lanh dao doanh nghiep san chung khoan lot Top 10 doanh nhan tieu bieu 2022-Hinh-4
 Một số chỉ số tài chính của Tập đoàn Lộc Trời những năm qua 
Hiện Lộc Trời có vốn điều lệ gần 806 tỷ đồng, trong đó hai cổ đông lớn nhất là Marina Viet Pte. Ltd và UBND tỉnh An Giang với tỷ lệ sở hữu lần lượt 25,21% và 24,15%. Riêng Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn nắm giữ 3,16% vốn điều lệ, đồng thời là cổ đông cá nhân lớn nhất tại doanh nghiệp.
Cổ phiếu LTG lên sàn UPCoM hồi tháng 7/2017 và đang có kế hoạch niêm yết trên sàn HoSE. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/10, cổ phiếu LTG dừng tại mức 31.300 đồng/cp, ghi nhận mức giảm gần 5% tính từ khi lên sàn (tính theo giá điều chỉnh).
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN