Theo đó, năm 2021, HAG đặt mục tiêu doanh thu thuần 2.055 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 497 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 104 tỷ đồng. Kế hoạch này của HAG khả quan hơn nhiều so mức lỗ hàng ngàn tỷ trong năm 2020. Dù vậy, HAG tiếp tục không chia cổ tức trong năm 2021.
Trong khi đó, 6 tháng 2021, HAG đã có lãi hơn 18 tỷ đồng nhưng vẫn lỗ luỹ kế tận 7.372 tỷ đồng. Như vậy, trong 6 tháng, HAG đã thực hiện được 17% kế hoạch đề ra.
Về kế hoạch đầu tư năm 2021 đối với ngành chăn nuôi, HAG dự kiến đến cuối năm sẽ hoàn thiện toàn bộ hệ thống chuồng trại để sẵn sàng cho năm 2022 triển khai nuôi 15.000 heo nái sinh sản và 300.000 heo thịt xuất chuồng mỗi năm.
Đối với ngành cây ăn trái, HAG sẽ đầu tư duy trì khoảng 10.000 hecta trồng các loại cây, gồm chuối và các loại cây ăn trái khác. Riêng cây chuối, tại thời điểm này Công ty đã cơ bản đầu tư trồng hoàn thiện được 5.000 hecta tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Dự kiến năng suất thu hoạch chuối bình quân từ năm 2022 sẽ đạt 50 tấn/hecta.
HAG cho biết, định hướng của Công ty là tập trung hai ngành chủ lực nêu trên, đồng thời cũng duy trì một số ngành nghề phụ trợ khác để tận dụng lợi thế về nguyên vật liệu sản xuất.
Doanh thu trái cây năm 2020 vẫn chiếm lớn nhất, giảm nợ vay
Nhìn lại năm 2020, HAG đạt mức doanh thu thuần 3.177 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2019.
Trong cơ cấu doanh thu, đóng góp lớn nhất là doanh thu bán trái cây, với 2.283 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 72% trong cơ cấu tổng doanh thu.
Đứng thứ hai là doanh thu dịch vụ (chủ yếu từ dịch vụ y tế của Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai và kinh doanh khách sạn) với 466 tỷ đồng, chiếm gần 15%.
Đứng thứ ba là doanh thu bán mủ cao su, đạt 266 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8,3% trong cơ cấu tổng doanh thu. Còn lại là doanh thu từ bán heo và hàng hóa khác, đạt 161 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5% trong cơ cấu tổng doanh thu.
Dù vậy, HAG vẫn lỗ ròng 2.383 tỷ đồng trong năm 2020. Theo giải trình của HAG, nguyên nhân thua lỗ chủ yếu là do trong năm 2020 bùng phát dịch bệnh Covid – 19 nên Công ty đã ghi nhận dự phòng theo nguyên tắc thận trọng trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay vẫn còn khá cao.
Không còn hợp nhất HNG, tổng tài sản của HAG ghi nhận sụt giảm đáng kể 51% so với hồi đầu năm, về còn 18,112 tỷ đồng tại 30/06/2021.
Phân nửa giá trị tài sản nằm ở khoản phải thu, chiếm 9,105 tỷ đồng. HAG đang trích dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi số tiền lên đến 2,224 tỷ đồng.
Về tình hình nợ, khoản nợ phải trả của HAG ghi nhận thu hẹp phân nửa sau 6 tháng, còn 12,946 tỷ đồng tại cuối quý 2/2021. Trong đó, khoản vay ngắn hạn chiếm 1,548 tỷ đồng và vay dài hạn chiếm 6,731 tỷ đồng.
Về tình hình đầu tư và thực hiện các dự án, năm 2020, ngành cây ăn trái vẫn đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu hoạt động của Công ty với hơn 12 loại cây ăn trái.
Trong đó, sản phẩm chủ lực là chuối tươi với tổng diện tích đã trồng tại thời điểm 31/12/2020 là hơn 11.000 ha (trong đó, diện tích sở hữu của nhóm CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai là 8.500 ha). HAG chủ yếu xuất khẩu chuối sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Ngoài ra, trong năm 2020, HAG đã thực hiện nghiệp vụ tái cấu trúc, thoái vốn khoản đầu tư tại CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - HNG; tập trung tái cấu trúc sản xuất kinh doanh theo hướng tinh gọn và hiệu quả, phù hợp với năng lực tài chính của Công ty.
Trong năm qua, HAG cũng thực hiện việc giảm nợ vay đối với các khoản nợ lãi suất cao, cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo quản lý hiệu quả và có khả năng tự cân đối tài chính cho từng dự án.