Bảo hiểm Generali Việt Nam lỗ luỹ kế hơn 3.600 tỷ đồng

Dù hoạt động kinh doanh của Generali Việt Nam đã có lãi trong năm ngoái nhưng số lỗ lũy kế từ các năm trước lên đến 3.600 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tính đến hết tháng 9, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 40.969 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 5.7%; doanh thu thị trường bảo hiểm nhân thọ ước đạt 89.914 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng về mảng bảo hiểm nhân thọ (BHNT), theo số liệu thống kê ước tính của IAV, đến hết tháng 9, tổng số hợp đồng khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 2.194.800 hợp đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với việc tăng về số hợp đồng khai thác mới và doanh thu phí bảo hiểm, phí bảo hiểm khai thác mới của khối nhân thọ tính đến tháng 9 tăng 17% đạt 28.153 tỷ đồng.
Những năm gần đây, thị trường bảo hiểm phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài với hệ thống sản phẩm đa dạng. Theo niên giám thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2019, cả thị trường hiện có 67 công ty bảo hiểm và môi giới bảo điểm hoạt động.
Các doanh nghiệp này có tổng tài sản đạt 462.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước đó và tổng doanh thu đạt 185.000 tỷ đồng, tăng 15%, chủ yếu là đến từ phí bảo hiểm.
Tính chung cả 2 mảng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhận thọ, thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2019 của các hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực như sau: Bảo Việt (23,87%), Prudential (20,82%), Manulife (14,14%), Dai-ichi (12,24%), AIA (10,73%), Chubb Life(3,31%), Hanwha Life (2,67%), Generali Việt Nam (2,51%).Các doanh nghiệp còn lại chiếm 9,71% thị phần.
Thị trường chứng kiến nhiều doanh nghiệp gia tăng mạnh thị phần sau khi liên kết với các ngân hàng để phân phối sản phẩm. Trong 2 năm qua (2018 và 2019), thị phần bảo hiểm nhân thọ của Manulife, Avia, MB Ageas đều tăng mạnh nhờ kênh bancassurance trong khi Bảo Việt và Prudential giảm thị phần.
Mặc dù vậy, việc thị trường thị phần bảo hiểm tập trung hơn 80% thị phần vào nhóm 5 doanh nghiệp lớn gồm Bảo Việt, Prudential, Manulife, Dai-ichi và AIA, khiến nhóm doanh nghiệp còn lại phải đầu tư lớn để nâng cao khả năng cạnh tranh nhằm giành được thị phần. Tiêu biểu trong nhóm này là các công ty bảo hiểm như Chubb Life, Hanwha Life, Generali Việt Nam, Avia và MB Ageas, mỗi công ty chiếm khoảng 2 - 3% thị phần.
Ngoại trừ Chubb Life đang có lãi lũy kế, 4 doanh nghiệp còn lại đều lỗ lũy kế từ vài trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng, đặc biệt Generali lỗ đến hơn 3.600 tỷ đồng so với số vốn điều lệ hơn 5.250 tỷ đồng được tập đoàn mẹ đầu tư, theo các báo cáo tài chính năm 2019.
Generali Vietnam Life Insurance (Generali Việt Nam) là công ty con thuộc tập đoàn Generali (Italy) – một trong những tập đoàn bảo hiểm lâu đời nhất thế giới khi đã tồn tại gần 2 thế kỷ. Generali Việt Nam có mặt tại Việt Nam từ khá sớm và có một số dòng sản phẩm khá tiếng tăm như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm giáo dục dưới thương hiệu VITA.
Những năm gần đây, doanh thu của Generali Việt Nam tăng mạnh nhờ mở rộng mạng lưới và xu thế chung của thị trường bảo hiểm. Trong giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu của Generali Việt Nam tăng gấp đôi 1.222 tỷ đồng lên mức 2.414 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công ty báo lỗ liên tục đến cuối năm 2018, số lỗ lũy kế là 3.614 tỷ đồng. Phải đến năm 2019, Generali Việt Nam mới ngừng báo lỗ nhưng cũng chỉ có lợi nhuận vỏn vẹn 3,5 tỷ đồng. Gần đây công ty bảo hiểm từ Italy đã tiếp tục tăng vốn lên hơn 6.852 tỷ đồng để tiếp tục mở rộng hoạt động.
Tương tự, số lỗ lũy kế đến cuối năm ngoái tại Hanwha Life là 1.227 tỷ đồng và Avia 1.177 tỷ đồng. Cả 2 doanh nghiệp này đều đã có lãi trong năm 2019. Ngược lại, MB Ageas lỗ 306 tỷ đồng khiến cho số lỗ lũy kế tại công ty bảo hiểm này tăng lên 555 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 số vốn kinh doanh của công ty.
Với xu hướng mới của thị trường bảo hiểm, các công ty bảo nhiểm có thị phần nhỏ sẽ có cơ hội gia tăng thị phần nhờ đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, mở rộng các kênh bán sản phẩm (bancassurance, online) hay chuyên nghiệp hóa đội ngũ thành các chuyên gia tư vấn tài chính.
Dù vậy, thị phần vẫn sẽ tập trung lớn vào nhóm 5 doanh nghiệp dẫn đầu và có thể có thêm các công ty phải rời bỏ thị trường sau thời gian bơm tiền để thúc đẩy doanh số như Great Eastern hay Cardiff trong quá khứ.

 

Theo The Leader

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN