SSI Research vừa công bố báo cáo phân tích CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) sau cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp vào ngày 9/8.
Chi phí lưu kho tăng gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận của các công ty xuất khẩu
Trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 780,8 triệu USD (+17% so với cùng kỳ), do thị trường Mỹ mở cửa trở lại trong Q2/2021 (kim ngạch xuất khẩu +58% so với cùng kỳ trong 6T2021 & tăng +114,8% trong Q2/2021), cũng như việc thâm nhập các thị trường mới mở nhỏ hơn như Brazil (+88% so với cùng kỳ) và Mexico (+78,3% so với cùng kỳ).
Trung Quốc, thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất (chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu), đã giảm -5,6% so với cùng kỳ trong Q2/2021 và -1% so với cùng trong 6T2021 do tiếp tục áp đặt kiểm tra nghiêm ngặt do dịch Covid-19 đối với nhập khẩu thủy sản tại nhiều cảng biển, vì Trung Quốc vẫn lo ngại về sự lây lan dịch Covid-19 từ hoạt động nhập khẩu thủy sản.
Cá tra vẫn chiếm hơn 88% tổng giá trị nhập khẩu cá da trơn tại Mỹ. Do đó, các công ty có tỷ trọng nhập khẩu nhiều samg Mỹ được hưởng lợi trong 6 tháng đầu năm 2021, bao gồm VHC và Công ty TNHH Biển Đông. Vì ANV đã được áp dụng mức thuế chống bán phá giá bằng 0 từ cuối tháng 6/2021, chúng tôi kỳ vọng ANV sẽ tăng dần thị phần trên thị trường Mỹ từ năm sau, thời điểm chi phí vận chuyển dự kiến sẽ bắt đầu giảm.
Trong Q3/2021, hầu hết các công ty xuất khẩu sẽ gặp khó khăn trong việc vận chuyển các đơn hàng do thiếu container và chi phí vận chuyển tăng (+100% so với đầu năm, theo Drewry).
Nhiều đơn đặt hàng được giữ tại các cảng biển chờ các container chất đầy cho đến khi có thể được vận chuyển. Do đó, chi phí lưu kho tăng lên càng gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận của các công ty xuất khẩu.
Ban lãnh đạo VHC không mấy khả quan trong nửa cuối năm 2021
Đối với VHC, trong Q2/2021, công ty đạt KQKD ấn tượng, với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 41,3% và 16,3% so với cùng kỳ, so với mức so sánh thấp trong Q2/2020.
Kết quả này chủ yếu nhờ vào sự mở cửa trở lại của nền kinh tế Mỹ (chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của VHC). Với sự gián đoạn trong đợt bùng phát dịch hiện tại, ban lãnh đạo không mấy khả quan trong nửa cuối năm 2021.
Mặc dù vấn đề không nằm ở phía cầu hay phía cung (nhà máy áp dụng phương thức “3 tại chỗ” làm việc/sinh hoạt tại chỗ), sự gián đoạn trong việc vận chuyển hàng hóa do thiếu container đang gây ra khó khăn khi quản lý chi phí, vì nhiều đơn hàng bị kẹt tại các cảng biển.
Năm 2021, SSI Research ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VHC lần lượt đạt 8,7 nghìn tỷ đồng (+23,3% so với cùng kỳ) và 789 tỷ đồng (+9,6% so với cùng kỳ).
Năm 2022, ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 10 nghìn tỷ đồng (+15% so với cùng kỳ) và 1 nghìn tỷ đồng (+29,5% so với cùng kỳ), với giả định chi phí vận chuyển toàn cầu bắt đầu giảm trong Q1/2022. Tương đương với mức giảm lần lượt là 4% và 6% so với ước tính LNST năm 2021 và 2022 trước đây, đồng thời phản ánh sự phục hồi chậm hơn trong 6 tháng cuối năm 2021 do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam.
Tuy nhiên, SSI Research vẫn lạc quan về ASP và sản lượng cá tra, cũng như sự phục hồi nhu cầu đối với các sản phẩm wellness của VHC trong năm 2022 (đặc biệt trong kịch bản có nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại).