Với kế hoạch đó, Vinamilk cũng lên kế hoạch cổ tức tiếp tục duy trì ở mức 38,5% bằng tiền mặt như năm 2021.
Năm 2021, tổng doanh thu của Vinamilk đạt mức 61.012 tỷ đồng, tăng nhẹ 2.2% so với năm trước và đạt 98% kế hoạch đề ra.
Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động kinh doanh quốc tế của Vinamilk chiếm 9,717 tỷ đồng, tăng 10.5% so với năm trước. Các thị trường trọng điểm tại Trung Đông, Hoa Kỳ và Campuchia tiếp tục đóng vai trò chủ chốt và duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu đối với sản phẩm sữa vẫn phục hồi và công tác phát triển thị trường đạt hiệu quả cao.
Riêng năm 2022, Vinamilk phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu 5%-10% trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng rất cao (37-40%).
Đại hội lần này của Vinamilk cũng ghi nhận sự từ nhiệm vị trí Chủ tịch và rời khỏi HĐQT của bà Lê Thị Băng Tâm cho nhiệm kỳ 2022-2026, thay vào đó ông Nguyễn Hạnh Phúc sẽ vào HĐQT thay thế. Ông Phúc là nguyên Tổng Thư ký, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Tại Đại hội, cổ đông chất vấn ban lãnh đạo Vinamilk rằng tại sao sữa là sản phẩm thiết yếu nhưng lại bị ảnh hưởng trong COVID?
Tổng giám đốc Mai Kiều Liên lý giải, giai đoạn vừa qua mì ăn liền là sản phẩm phát triển nhanh nhất, giá tiền hợp lý và đáp ứng nhu cầu no là quan trọng. Còn sữa là sản phẩm cho dinh dưỡng. Trong khi đó, năm 2021, rất nhiều người mất việc làm, thu nhập giảm, do đó, việc no được ưu tiên hơn dinh dưỡng.
Trong 2021, Vinamilk cũng gia tăng doanh thu nhưng lợi nhuận thì không được như vậy. Bên cạnh đó, Công ty cũng tích cực chung tay, đồng hành cùng Chính phủ trong việc chống dịch do đó, VNM hầu như không tăng giá dù giá nguyên vật liệu lên cao.
Trước câu hỏi về thị trường sữa có dấu hiệu bão hòa ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng của Vinamilk hay không, bà Mai Kiều Liên cho biết, khả năng tăng trưởng của thị trường sữa trong tương lai vẫn phụ thuộc vào các yếu tố cốt lõi như tăng trưởng GDP, thu nhập, dân số, số lượng trẻ em ra đời mỗi năm,… Do đó Vinamilk đánh giá thị trường sữa chưa bão hòa và vẫn còn nhiều tiềm năng.
Trong bối cảnh đó, bà Liên cho rằng, tổng doanh thu ngành sữa dự báo đến 2025 đạt 136 ngàn tỷ đồng, trong đó Vinamilk chiếm khoảng 86 ngàn tỷ đồng.
Kế hoạch M&A trong 5 năm tới của Vinamilk vẫn tập trung vào ngành tiêu dùng nhanh, liên quan đến sức khỏe, dinh dưỡng.
Đặc biệt, cổ đông cho rằng giá cổ phiếu VNM dường như diễn biến không tương xứng với doanh nghiệp nên Vinamilk có động thái mua cổ phiếu quỹ hay không? Bà Mai Kiều Liên lý giải, giá cổ phiếu biến động theo quy luật của thị trường. Công ty không có kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ mà bản thân Vinamilk sẽ cố gắng phát triển bền vững.
Trên thị trường, trong phiên giao dịch ngày 26/4, cổ phiếu VNM đang giao dịch quanh mốc 73.200 đồng/cp, ghi nhận giảm gần 20% trong vòng 1 năm qua.
Về kế hoạch niêm yết cổ phiếu ra thị trường quốc tế, bà Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch HĐQT VNM cho biết, cách đây mấy năm Vinamilk đã có nghiên cứu nhưng bây giờ thực hiện không dễ dàng. Do đó Vinamilk chưa có kế hoạch trong ngắn hạn, mà đó là định hướng trong tương lai của Vinamilk.