Theo Nikkei Asian Review, 87 công ty hoặc tập đoàn Nhật Bản sẽ nhận được tổng cộng 70 tỷ JPY (tương đương 653 triệu USD) để chuyển dây chuyền sản xuất, nhằm giảm sự phụ thuộc của Nhật Bản vào nước láng giềng lớn và xây dựng chuỗi cung ứng ổn định vững chắc hơn.
Trong danh sách 30 doanh nghiệp Nhật Bản được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á mà tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) tiết lộ mới đây, có khoảng 15 cái tên dự kiến chuyển hoạt động đến Việt Nam. Trong đó có 9 doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, 6 doanh nghiệp lớn.
Tuy nhiên, chưa rõ việc di dời này là một phần hay toàn bộ hoạt động sản xuất của họ tại Trung Quốc.
Mời độc giả xem video: Cách làm thương hiệu của doanh nghiệp người Việt. Nguồn: VTC1
|
Danh sách 15 công ty Nhật chuẩn bị rời TQ sang VN. Ảnh: Jetro |
Hầu hết các công ty Nhật Bản được trợ cấp để sang Việt Nam thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp sản xuất liên quan đến chất bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hoà hay module điện... Trong danh sách này, Tập đoàn Hoya sản xuất linh kiện ổ cứng dự kiến di dời hoạt động sản xuất Trung Quốc sang Việt Nam và Lào.
Cũng theo công bố của Jetro, số tiền trợ cấp dao động 100 triệu đến 5 tỷ yen, bù đắp một phần chi phí cần thiết để mua sắm và lắp đặt máy móc, thiết bị cho việc mở rộng sản xuất.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng chi ít nhất 57,5 tỷ yen (536 triệu USD) cho 57 công ty gồm hãng tư nhân sản xuất khẩu trang Iris Ohyama và Tập đoàn Sharp để chuyển hoạt động sản xuất về nước.
Trong khi đó, tờ Nikkei Asian Review cho biết, Chính phủ Nhật sẽ chi khoảng 23,5 tỷ yen để hỗ trợ doanh nghiệp đưa nhà máy từ Trung Quốc đến các quốc gia Đông Nam Á.
Hồi tháng 4/2020, Nhật Bản đã khởi động dự án "thoát Trung" trị giá nhiều tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nước này chuyển sản xuất từ Trung Quốc về nước, hoặc sang các quốc gia khác.
Chính sách mà Nhật Bản đang triển khai tương tự như chính sách Đài Loan đã thực hiện vào năm 2019. Theo đó, chính quyền Đài Loan cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp cả về đất đai, nước, điện, vốn và thuế để thúc giục doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất về nước.