Theo thống kê, 12 địa phương tăng trưởng âm gồm Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hòa Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau. Trong đó, chỉ số tăng tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) của Đà Nẵng là -3,61%, Quảng Nam -11,51%, Khánh Hòa -12,02%, Bà Rịa - Vũng Tàu -6,87%, Hòa Bình -6,51%...
Là một trong 12 địa phương thuộc nhóm này, tại hội nghị giữa Chính phủ với các địa phương (ngày 2/7), Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, thành phố đã chỉ đạo tích cực để tháo gỡ khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư trong bối cảnh bất động sản đóng băng.
Thành phố cũng thực hiện các biện pháp kích cầu du lịch nội địa và đến nay cơ bản phục hồi. Tuy nhiên, để tạo động lực phát triển, Chủ tịch Đà Nẵng đề nghị Chính phủ và các cơ quan Trung ương quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý của các dự án liên quan kết luận của Thanh tra Chính phủ, có tính chất tương tự như những dự án sai phạm trước đây.
“Các dự án này là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển thành phố. Nếu thủ tục không được tháo gỡ, không giải quyết thì không thể khơi thông điểm nghẽn để triển khai các dự án lớn, tạo ra nguồn thu, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, Chủ tịch Đà Nẵng nói.
Ngoài ra, ông Thơ cũng nêu một số kết luận của thanh tra, một số phán quyết của các vụ án hiện nay rất khó khăn trong việc thi hành án. Đơn cử như Sân vận động Chi Lăng đã có phán quyết của tòa rất lâu nhưng chưa thi hành được do vướng nhiều thủ tục pháp lý. “Đà Nẵng đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan quyết liệt tháo gỡ khó khăn ở các dự án này, xem như nguồn lực để tạo động lực cho thành phố phát triển”, ông Thơ nói.
Tương tự, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa bày tỏ mong muốn Trung ương hỗ trợ để giải quyết dứt điểm những “hậu” sai phạm để địa phương có thể “bứt” khỏi tình trạng trì trệ, “bất động”. Về kinh tế, ông Tuân cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tăng trưởng giảm 12%...
Chủ tịch Khánh Hòa cũng kiến nghị Chính phủ xem xét xây dựng chính sách đối với Khu Kinh tế Vân Phong trong tình hình mới theo hướng, phát triển tổ hợp dịch vụ cao cấp, dịch vụ cảng biển và công nghiệp nặng. “Vân Phong đang là điều kiện để thu hút đầu tư mạnh, góp phần để tỉnh phục hồi kinh tế”, ông Tuân nói.
Trao đổi thêm về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, trong 12 tỉnh tăng trưởng âm, có 4-5 tỉnh ở mức rất thấp như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu… cần có chương trình hành động riêng để khắc phục. Nếu để “rơi quá sâu, xuống tận đáy thì muốn vực dậy kinh tế trong năm 2020 rất khó khăn”, Thủ tướng nói.