Bé L.V.K. (3 tuổi, trú tại phường Văn Phú, tỉnh Lào Cai) được người thân đưa đến Trung tâm Y tế khu vực Yên Bình trong tình trạng đa chấn thương nghiêm trọng do bị chó cắn.
Theo gia đình, khoảng 16h ngày 18/7, bé K. bị chó nhà hàng xóm bất ngờ tấn công, cắn nhiều nhát vào vùng đầu, cổ và mặt. Người nhà lập tức tiến hành sơ cứu, sau đó đưa bé đến Trung tâm Y tế.
Tại đây, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi có nhiều vết thương chảy máu. Nặng nhất là vết lóc da đầu dài khoảng 10 cm, làm lộ xương sọ. Ngoài ra, vùng cổ và bả vai xuất hiện nhiều vết rách sâu, mất máu nhiều. Qua thăm khám, bé được chẩn đoán bị đa chấn thương phần mềm, đứt tĩnh mạch cảnh trái, cần theo dõi sát.
Sau khi được cầm máu, băng bó, truyền dịch, giảm đau và tiêm huyết thanh phòng dại, bé được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai để tiếp tục điều trị. Hiện sức khỏe của bé đã ổn định.

Bệnh nhi nhập viện với nhiều vết thương sâu ở vùng đầu, cổ. Ảnh: Trung tâm Y tế khu vực Yên Bình.
Qua vụ việc trên tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng nuôi chó thả rông, không rọ mõm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với cộng đồng, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Bị chó cắn ở vùng đầu, cổ, mặt ít gặp ở người lớn nhưng rất phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 10 tuổi. Nếu trẻ em bị chó, mèo, vật nuôi tấn công được coi là trường hợp nặng cần sơ cứu đúng cách và hồi sức cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Nguyên Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho biết nguy cơ mắc bệnh dại phụ thuộc vào số lượng virus dại có trong nước bọt, mức độ tổn thương và vị trí vết cắn. Trong đó, đầu, mặt, cổ là những vùng tập trung nhiều dây thần kinh, nếu vết cắn thuộc những vị trí này thì thời gian virus di chuyển từ vết cắn lên não là rất nhanh, vết cắn càng nặng càng gần hệ thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn và vô cùng nguy hiểm.
Chính vì vậy, đối với các vết cắn ở đầu, cổ và lồng ngực, bác sĩ có thể chỉ định chụp động mạch và thăm dò sớm. Ngoài ra, người bệnh cũng được khám kỹ trong miệng để xem xét vết cắn ở má có làm tổn thương khoang miệng hay không. Trong trường hợp chó cắn ở đầu hoặc cổ sẽ được cố định cổ để tránh tổn thương cột sống cổ.
Ngoài ra,còn có vết cắn ở các chi, đặc biệt là bàn tay cũng rất nguy hiểm. Bởi bàn tay con người có cấu tạo phức tạp với nhiều ngăn nhỏ và phần mô mềm bao bọc xung quanh các xương, khớp tương đối ít, do đó nếu bị chó cắn tại vị trí này cần kiểm tra cẩn thận các dây thần kinh. Đồng thời, trong quá trình sơ cứu vết thương tại vị trí này tuyệt đối không khâu đóng lại nếu chưa đảm bảo chúng đã được vệ sinh sạch sẽ và không bị nhiễm trùng.
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo khi bị chó, mèo, vật nuôi tấn công, kể cả con vật đã được tiêm phòng vắc xin ngừa dại cần vệ sinh vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch trong vòng 15 phút để rửa trôi virus, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại. Sau đó tiếp tục sát trùng vết thương với cồn 45-70%, cồn iod hoặc povidone - iodine (nếu có).
Lưu ý, trong quá trình vệ sinh vết thương cần thao tác nhẹ nhàng để tránh làm vết thương dập nát hoặc tổn thương lan rộng hơn, tránh khâu kín vết thương. Trường hợp phải khâu vết thương nên trì hoãn khâu sau vài giờ đến 3 ngày và nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi.
- Đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vắc xin dại, huyết thanh kháng dại (nếu cần) càng sớm càng tốt.