|
Xây Dựng Tuấn Lộc bán gần 33% vốn tại Sonadezi Giang Điền |
Mới đây, CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc thông báo hoàn tất giao dịch bán ra toàn bộ 18 triệu cổ phiếu SZG, tương đương 32,79% vốn, trong thời gian từ ngày 27/6 đến 3/7. Sau giao dịch, Xây dựng Tuấn Lộc không còn là cổ đông lớn của Sonadezi Giang Điền và không còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của doanh nghiệp bất động sản này.
Ông Trần Hoài Nam – Ủy viên HĐQT SZG hiện là Giám đốc tài chính tại Công ty Tuấn Lộc. Được biết, ông Nam là Chủ tịch HĐQT SZG giai đoạn tháng 04/2022-12/2023.
Trong thời gian thực hiện giao dịch, cổ phiếu SZG dao động trong khoảng 31,0-32,x đồng/cp. Ước tính, Xây dựng Tuấn Lộc đã thu về khoảng 570 tỷ đồng từ giao dịch này.
Hiện nay, thông tin bên mua vào số cổ phiếu SZG nêu trên chưa được công bố. Tuy nhiên, sau giao dịch, Sonadezi Giang Điền vẫn còn một cổ đông lớn khác là Becamex IDC (mã BCM), đang nắm giữ 46,45% vốn.
|
Diễn biến giá cổ phiếu SZG trong 3 tháng qua |
Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý I/2024, Sonadezi Giang Điền ghi nhận doanh thu thuần 92,1 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 9%, đạt 36,5 tỷ đồng. Các khoản cho thuê nhà xưởng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Giang Điền chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu. Biên lợi nhuận gộp quý I tăng nhẹ lên mức 57%.
Sức khỏe tài chính của SZG có sự cải thiện qua các quý, tuy nhiên tỷ lệ nợ/VCSH vẫn ở mức cao 3,18, chủ yếu do khoản doanh thu chưa thực hiện 2.331 tỷ đồng từ khách hàng trả trước tiền thuê đất và hạ tầng khu công nghiệp Giang Điền. Đây được xem là nguồn dự trữ của công ty.
Dù tỷ lệ đòn bẩy cao, SZG không ghi nhận các khoản nợ vay tài chính.
Năm 2024, công ty đặt kế hoạch khiêm tốn với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 417 tỷ và 122 tỷ đồng, giảm 5% và 36% so với cùng kỳ năm trước.
Về phía Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc, công ty được thành lập từ tháng 05/2008, với ngành nghề chính là xây dựng công trình cầu đường, hiện có trụ sở tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ông Bùi Thái Hà làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Từ năm 2014 đến 2022, công ty liên tục tăng vốn điều lệ mỗi năm, với cập nhật gần nhất đến cuối năm 2022 là 4.330 tỷ đồng.
|
Vốn điều lệ của CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc từ 2014-2022 |
Xây dựng Tuấn Lộc được xem là một ‘tay to’ khi đầu tư lượng lớn cổ phần trị giá hàng trăm tỷ đồng vào nhiều doanh nghiệp. Điểm chung của các thương vụ đầu tư của Tuấn Lộc là thường nắm giữ trong thời gian không quá dài, có doanh nghiệp chỉ một tháng, và Tuấn Lộc thường đưa người vào ban lãnh đạo của các doanh nghiệp này.
Gần đây nhất, vào tháng 12/2022, Tuấn Lộc đã bán 18,3 triệu cổ phiếu (chiếm 17,17% vốn) của CTCP Phát triển Điện lực Việt Nam (HOSE: VPD) thông qua thỏa thuận, ước tính thu về gần 540 tỷ đồng.
Vào tháng 03/2022, Tuấn Lộc đã bán gần 4,6 triệu cổ phiếu của CTCP Cảng Nghệ Tĩnh (HNX: NAP). Thời điểm này, ông Nguyễn Hồng Sơn – Ủy viên HĐQT NAP là Phó Tổng Giám đốc tại Tuấn Lộc.
Giữa năm 2021, Tuấn Lộc đã bán thỏa thuận hơn 20,8 triệu cổ phiếu của Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (UPCoM: CC1). Lúc này, ông Nguyễn Văn Bình – Ủy viên HĐQT CC1 là người đại diện phần vốn của Tuấn Lộc tại doanh nghiệp.
Cuối năm 2020, Tuấn Lộc cũng đã bán 4,5 triệu cổ phiếu VLB (tỷ lệ 9,62%) thông qua giao dịch thỏa thuận. Xa hơn nữa, vào tháng 07/2015, Tuấn Lộc nổi tiếng với thương vụ lãi 70 tỷ đồng chỉ sau 1 tháng lướt sóng cổ phiếu CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII).