Ngày 18/7, nguồn tin VTV cho biết, liên quan đến việc cưỡng chế công trình vi phạm thuộc dự án Tòa nhà CLB Golf trong sân golf Đồi Cù (phường 1, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), ngoài TAND TP Thủ Đức (TP HCM), TAND tỉnh Lâm Đồng cũng có quyết định số 03/2023/QĐBPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Quyết định này do thẩm phán Dư Thành Trung ký ngày 17/7.
|
TAND tỉnh Lâm Đồng áp dụng biện pháp khẩn cấp với công trình Đồi Cù Đà Lạt. |
Theo TAND tỉnh Lâm Đồng, tòa nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 1727/QĐ-CCXP ngày 10/6/2024 của Chủ tịch UBND TP Đà Lạt" của Công ty cổ phần Hoàng Gia ĐL.
Công ty này cũng là người khởi kiện vụ án "Khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 30/QĐ-XPVPHC ngày 4/1/2024 và quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 1727/QĐ-CCXP của Chủ tịch UBND TP Đà Lạt" tại TAND tỉnh Lâm Đồng.
Ngoài ra, TAND tỉnh Lâm Đồng cũng ban hành một quyết định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản tranh chấp" liên quan các công trình trong dự án Tòa nhà CLB Golf của Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL.
Ông Trần Quốc Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL khẳng định với báo Người lao động: "Đất Đồi Cù không còn là đất rừng từ năm 2020, khi Thủ tướng ký quy hoạch".
|
Lực lượng cưỡng chế của UBND phường 1 và UBND TP Đà Lạt tại dự án Tòa nhà CLB Golf trong sân golf Đồi Cù để thực hiện cưỡng chế vào sáng 17/7. |
Ông Hùng nói thêm, doanh nghiệp làm luôn dựa trên luật pháp và sân golf nào cũng phải có một tòa nhà CLB golf để phát triển. "Sân golf này 130 năm phát triển, lớn nhất Đông Nam Á nhưng qua xem cái tòa nhà CLB hiện nay như cái chuồng heo kìa, tại sao không để nó phát triển…? Tiền thuê đất thì rất cao. Doanh nghiệp đang ở trên thế phá sản vì giá thuê đất rất cao" - ông Hùng nêu vấn đề.
Về việc xây dựng các khối công trình sai phép, không phép, ông Hùng thừa nhận đây là vi phạm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước đó toàn bộ hồ sơ công ty đã nộp Sở Xây dựng và được thẩm tra là hợp pháp, chỉ còn một phần đất được quy hoạch là đất rừng. Tháng 12/2022, HĐND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng phải đợi quy trình thực hiện từ những cơ quan chức năng liên quan.
|
Ông Trần Quốc Hùng (bên phải) chuyển quyết định của TAND TP Thủ Đức cho ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, kiểm tra. |
"Các anh ở tỉnh nói rằng thống nhất hỗ trợ doanh nghiệp, quy trình khoảng 3 tháng sẽ hoàn tất nhưng cuối cùng kéo dài. Do thời điểm đó thời tiết bất lợi, nếu dừng thi công sẽ có những chuyện bất lợi.
Cái này là mình xin bằng miệng thôi, các anh nói thôi cố gắng làm đi. Vì cố gắng kịp chào mừng 130 năm thành lập TP Đà Lạt nên bây giờ mới kẹt. Chứ thực ra nói về công trình này đúng là không có giấy phép, còn những giấy phép khác thì đã có hết rồi" (?!), ông Hùng nói với báo Người lao động.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, việc đưa 29,5ha đất Đồi Cù Đà Lạt vào diện tích rừng phòng hộ vào năm 2016 đã được HĐND tỉnh Lâm Đồng thông qua. Sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng mới ra văn bản số 4134 ngày 20/7/2016.
Một biên bản của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng ghi nhận Hoàng Gia ĐL đã tác động và xây dựng trên diện tích đất rừng phòng hộ nội ô (phường 1, Đà Lạt) với tổng diện tích tác động 4.629m2.
Phần công trình xây trên đất rừng nhiều nhất là khối 2 (tòa nhà không phép) hướng ra hồ Xuân Hương và chắn toàn bộ tầm nhìn từ hồ về Langbiang.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, tại thời điểm giao đất cho Hoàng Gia ĐL, Đồi Cù Đà Lạt có diện tích 62,4ha, trong đó đất rừng phòng hộ nội ô là 29,5ha, đất thương mại dịch vụ chỉ có 3.212m2 (0,32ha).