Nhận diện “lực đẩy” Cam Lâm
UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, nhằm từng bước phấn đấu đưa tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030, hiện nay tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện công tác quy hoạch phát triển tỉnh theo hướng đô thị hóa, văn minh, hiện đại. Trong đó trọng tâm là quy hoạch và phát triển các đô thị trong tỉnh, bao gồm các đô thị phía Nam như huyện Cam Lâm, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ - du lịch.
Nhận diện về vai trò của huyện Cam Lâm trong quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đây là huyện nằm giữa TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh. Phía Đông huyện tiếp giáp với biển Đông với bờ biển dài 13km và các hướng còn lại giáp các huyện và thành phố lân cận như Nha Trang, Cam Ranh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Diên Khánh.
Về giao thông, huyện Cam Lâm gần như là “điểm đến của mọi nẻo đường”, với hàng loạt hệ thống giao thông đi qua địa bàn huyện như tuyến quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc – Nam, đường ven biển, đường sắt Bắc – Nam, đường biển qua cảng Cam Ranh, đường hàng không khi nằm bên cạnh Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh.
Về tiềm năng du lịch, điều đáng kể nhất chính là huyện Cam Lâm sở hữu Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh nằm men theo 10km đường bờ biển. Hiện nay, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đã hoạt động và tiếp tục phát triển với hơn 40 dự án du lịch, khu nghỉ dưỡng thu hút lượng lớn du khách quốc tế. Khu du lịch này lại nằm bên cạnh và trên cùng trục đại lộ Nguyễn Tất Thành với Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh.
“Với những tiềm năng nêu trên, huyện Cam Lâm đủ cơ sở để phát triển thành một đô thị theo mô hình đô thị sân bay kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, là khu vực có chức năng kết nối các thành phố của tỉnh Khánh Hòa. Việc lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần TP. Cam Ranh là phù hợp với nhu cầu thực tế và định hướng phát triển của địa phương và tỉnh Khánh Hòa”, UBND tỉnh Khánh Hòa lý giải.
Từ đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép lập Quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần TP. Cam Ranh. Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất phát triển một đô thị mới có quy mô dân số tương đương đô thị loại I, làm cơ sở phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, du lịch.
Cụ thể, quy hoạch sẽ bao gồm các xã Cam Tân, Cam Hòa, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam Thành Bắc, Cam An Bắc, Cam An Nam, Suối Tân, Cam Hải Đông, Cam Hải Tây, thị trấn Cam Đức (thuộc huyện Cam Lâm); phường Cam Nghĩa, xã Cam Thành Nam thuộc TP. Cam Ranh.
Khu du lịch Bãi Dài - “trái tim” của Cam Lâm
Theo Ban quản lý Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (còn gọi là Bãi Dài, huyện Cam Lâm), tính đến hết quý 3/2021, tại khu vực này có 40 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 29.341 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn đầu tư đã huy động để thực hiện các công trình khoảng 26.383 tỷ đồng tăng gần 2.000 tỷ đồng so với giai đoạn cùng kỳ năm 2020.
Hiện khu vực này đã có 6 dự án hoàn thiện, đi vào hoạt động, gồm Vipearl Long Beach villas, Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Duyên Hà, Fusion Maia Nha Trang Resort, Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindow, Alma, Khu đô thị Golden. Ngoài ra, khu vực này còn có 5 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động giai đoạn 1 và triển khai giai đoạn 2.
Trong kế hoạch phục hồi du lịch sau đại dịch, tỉnh Khánh Hòa cũng chọn Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh làm nơi đầu tiên tại địa phương để đón khách đến lưu trú, nghỉ dưỡng, với công suất có thể tiếp nhận là 6.000 phòng. Đây được xem là bước “chạy đà” phục hồi của ngành du lịch Khánh Hòa từ đây đến cuối năm và trong giai đoạn tới.
Theo ông Phan Việt Hoàng, Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Khánh Hòa (KARED), Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh có nhiều lợi thế như: quỹ đất sạch, nằm sát biển với diện tích gần 800 ha. Đây là khu du lịch ngoài việc giảm tải cho Nha Trang còn tạo nên bản sắc riêng phân khúc khách hàng về du lịch và bất động sản nghĩ dưỡng.