VEAM công bố thông tin bất thường: Tổng giám đốc Phan Phạm Hà bị khởi tố

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam cho biết vừa bãi nhiệm chức vụ Tổng giám đốc VEAM đối với ông Phan Phạm Hà do vừa bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tối 11/6, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), mã chứng khoán VEA, phát thông báo công bố thông tin bất thường về việc bãi nhiệm chức vụ Tổng giám đốc VEAM đối với ông Phan Phạm Hà do vừa bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Theo VEAM, hôm qua (10/6), đơn vị này nhận được thông báo của Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội về việc Đảng viên vi phạm pháp luật liên quan đến quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với ông Phan Phạm Hà, Tổng Giám đốc VEAM về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội cũng chưa thông tin cụ thể về vụ việc liên quan đến ông Phan Phạm Hà, Tổng Giám đốc VEAM.

VEAM cong bo thong tin bat thuong: Tong giam doc Phan Pham Ha bi khoi to-Hinh-2

VEAM phát thông báo về việc bãi nhiệm chức vụ Tổng giám đốc VEAM đối với ông Phan Phạm Hà do vừa bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Ảnh: PLO

Trong một diễn biến khác, ngày 11/6, VEAM cũng phát thông báo về việc miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng VEAM đối với bà Nguyễn Thị Mai Hương kể từ ngày 10/6.

VEAM được thành lập từ năm 1990, là "ông lớn" trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh máy móc, phụ tùng phục vụ cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp và giao thông vận tải.

Về hoạt động kinh doanh chính, VEAM có 15 công ty con, hoạt động trong 3 lĩnh vực chính gồm động cơ và máy nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và ôtô tải. Giai đoạn trước 2019, doanh thu thuần hợp nhất đạt trên 6.000 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận gộp trên 600 tỷ đồng. Song đến năm 2019, doanh thu sụt giảm về vùng 4.500 tỷ đồng và lợi nhuận gộp rơi về 65 tỷ đồng. Giai đoạn 2020 - 2022, doanh thu chưa thể phục hồi về mức trước 2019 nhưng lợi nhuận gộp có sự phục hồi đáng kể và đã vượt qua với 651 tỷ đồng (năm 2022).

Theo BCTC hợp nhất quý IV/2023, năm 2023, tổng công ty ghi nhận 6.233 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ, giảm 18% so với 2022. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu xe máy, ôtô giảm, doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính lẫn lợi nhuận được chia từ các liên doanh đều giảm.

Bộ Công Thương đang là chủ sở hữu VEAM với tỷ lệ 88,5% vốn. Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị tổng công ty thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo hoàn thành kết hoạch 2024. Đó là đẩy mạnh toàn diện các mặt hoạt động và công tác theo định hướng trong kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã xây dựng; hoàn thiện đề án tái cơ cấu với mục tiêu thoái vốn ở các đơn vị có vốn góp nhưng đang hoạt động không hiệu quả và có ngành nghề hoạt động không tập trung vào định hướng phát triển trong tương lai, khắc phục sở hữu chéo giữa các đơn vị có vốn góp VEAM, tập trung nguồn lực vào các công ty có ngành nghề kinh doanh phù hợp.

Bên cạnh đó, tổng công ty cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực chế tạo máy nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, chủ động, tích cực thực hiện công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm thường niên, tìm kiếm đẩy mạnh hợp tác với các đối tác có uy tín trong và ngoài nước trên cơ sở định hướng phát triển của các đơn vị thành viên, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm mới để mở rộng thị trường trong nước và quốc tế…

Theo Quang Tuyền/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN