Hàng loạt biệt thự trái phép bị xem xét tháo dỡ
Vụ việc bạt đồi, xây hàng loạt căn biệt thự tại đồi Hùng Thắng (thuộc tổ 9, khu 3, phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm khi các biệt thự tại đây không có giấy phép xây dựng.
Đáng chú ý, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó chủ tịch UBND phường Hùng Thắng thừa nhận, hiện có 3 hộ tự ý xây dựng các “biệt thự” trên đồi, trong đó có căn rộng cả trăm mét vuông khi chưa có giấy phép xây dựng và bị UBND TP. Hạ Long xử phạt vi phạm hành chính.
Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Mây (trú tại tổ 3A, khu 1, phường Hùng Thắng, TP. Hạ Long) là chủ ngôi biệt thự rộng hàng trăm mét vuông đang được hoàn thiện dù không có giấy phép xây dựng tại đây. Ngày 28/6, Chủ tịch UBND TP Hạ Long, Phạm Hồng Hà đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Mây về việc xây dựng nhà không có giấy phép xây dựng với số tiền 25 triệu đồng.
|
Một biệt thự không có giấy phép xây dựng, không có quy hoạch được duyệt.
|
Căn biệt thự thuộc sở hữu của ông Lê Mạnh Hùng (trú tại tổ 3B, khu 1, phường Hùng Thắng) cũng đang được xây dựng trái phép tại khu vực trên. Ngày 1/11, TP Hạ Long đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Lê Mạnh Hùng vì hành vi xây nhà trái phép và tự ý chuyển đổi 280 m2 đất nông nghiệp sang đất ở khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Một lãnh đạo TP Hạ Long trao đổi với báo chí cho biết, UBND thành phố đã nhiều lần nhắc nhở UBND phường Hùng Thắng giám sát chặt chẽ đất rừng, không để người dân xâm hại làm mục đích khác. Tuy nhiên, do sự buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay nên để xảy ra sự việc trên.
Mới đây, ông Vũ Ngọc Lâm, Chủ tịch phường Hùng Thắng, khẳng định các hộ xây dựng trái phép đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích các hộ xây dựng là đất ở chứ không phải đất rừng!?
|
Một công trình không phép khác đang được xây dựng. |
Lãnh đạo TP khẳng định quan điểm là kiên quyết xử lý sai phạm đến cùng, thậm chí là dỡ bỏ hoàn toàn. Trong khi đó, UBND phường đã ra quyết định cưỡng chế và đang lập phương án tổ chức cưỡng chế phá dỡ, yêu cầu trả lại nguyên trạng đất như ban đầu.
Chiều 22/11, UBND phường Hùng Thắng, TP Hạ Long (Quảng Ninh), huy động máy móc, thiết bị đến phá dỡ biệt thự xây dựng trái phép nằm trên đồi Hùng Thắng (thuộc tổ 9, khu 3, phường Hùng Thắng).
Trách nhiệm của ai?
Việc để xảy ra những vi phạm tại hàng loạt công trình trên dù trên đất rừng hay đất ở nhưng xây dựng không có phép và đang bị cưỡng chế tháo dỡ khiến dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị nhất là UBND phường Hùng Thắng, UBND TP Hạ Long khi không kịp thời ngăn chặn dẫn đến nhiều công trình xây dựng sai phạm đã và đang hoàn thiện, gây thiệt hại tài sản lớn.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, hành vi xây “ biệt thự” không có giấy phép xây dựng là hành vi vi phạm các quy định về xây dựng. Việc xây dựng biệt thự trên không thuộc trường hợp miễn xin giấy phép xây dựng.
Theo quy định của pháp luật thì khi phát hiện ra công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng như xây dựng không phép, sai phép thì cơ quan chức năng phải lập biên bản vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng và buộc tháo dỡ công trình vi phạm. Trường hợp chủ công trình không tự nguyện tháo dỡ thì sẽ ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo quy định pháp luật.
|
Công trình xây dựng trái phép bị tháo dỡ.
|
Cụ thể, theo quy định tại Điều 3 Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng thì các biện pháp xử lý đối với công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
Theo quy định tại điểm a Khoản 5 Điều 15 Nghị định 139/2017 thì hành vi xây dựng “biệt thự” trái phép sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.
Nếu trường hợp tại các công trình không phép này xây dựng trên khu vực rừng sản xuất này đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống thì sẽ bị xử phạt từ 50.000.000 đến 60.000.000 đồng (Điểm d khoản 7 điều 15 nghị định 139/2017).
Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không phép. Đối với các công trình xây dựng trái phép đang thi công thì cần phải lập biên bản vi phạm hành chính, dừng thi công xây dựng. Hoàn thiện giấy phép xây dựng, trong trường hợp không được cấp phép xây dựng thì buộc phải tháo dỡ công trình.
Luật sư Hoàng Tùng cho biết, để xảy ra việc xây dựng các công trình trái phép trên, các cơ quan chức năng như UBND phường Hùng Thắng, UBND TP Hạ Long và các phòng ban liên quan phải chịu trách nhiệm.
“Cần phải làm rõ xem có sự tiếp tay, cố tình buông lỏng của cán bộ, đơn vị quản lý hay không? Mức độ và hành vi cụ thể ra sao? Tùy vào vi phạm cụ thể thì sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật”, Luật sư Tùng cho biết. Bởi hàng loạt công trình xây dựng sai phạm nghiêm trọng mà cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không phát hiện ra sai phạm tại thời điểm xây dựng và không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời để công trình xây dựng, hoàn thiện là thiếu trách nhiệm.
Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 180/2007/NĐ-CP về xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng và nay là Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, bất động sản thì Thanh tra xây dựng và chính quyền địa phương (cấp xã phường, cấp quận huyện, Thành phố) có trách nhiệm kiểm tra, giám sát phát hiện và kịp thời xử lý các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng.
Hệ thống pháp luật Việt Nam có đầy đủ các quy định pháp luật, các chế tài để xử lý đối với hành vi vi phạm trật tự xây dựng. Bởi vậy, việc các công trình vi phạm trật tự xây dựng ngang nhiên mọc lên, thách thức dư luận không phải là do thiếu chế tài, cũng không phải do vướng mắc từ thủ tục pháp lý mà là do trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc áp dụng pháp luật.
Trong trường hợp cán bộ được giao nhiệm vụ mà buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để xảy ra những công trình sai phạm nghiêm trọng thì cán bộ, cơ quan có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bởi vậy trong vụ việc này sẽ phải xem xét trách nhiệm của cơ quan thanh tra xây dựng và ủy ban nhân dân các phường, ủy ban nhân dân cấp thành phố tại thời điểm có hành vi vi phạm trật tự xây dựng để có những hình thức xử lý theo quy định pháp luật.
Mời độc giả xem thêm video Tạm dừng cưỡng chế công trình trái phép ở Sóc Sơn: