Ông ĐÀO MINH CHÁNH, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM:
Chọn lọc nhà đầu tư nước ngoài
Lũy kế từ năm 1988 đến tháng 6-2023, TP HCM có 11.868 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 81,29 tỉ USD. Trong đó, 70% số dự án là cấp phép mới và điều chỉnh tăng vốn; 30% là góp vốn và mua cổ phần, mua phần vốn góp.
Để tiếp tục thu hút vốn FDI hiệu quả, TP HCM sẽ áp dụng các tiêu chí chọn lọc nhà đầu tư. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính minh bạch để giảm thời gian, giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp. TP HCM phấn đấu tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến đạt 95% trở lên.
Ông JAMES OLLEN, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam - TP HCM và Đà Nẵng:
Nên duy trì ổn định thuế suất
Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc liên tục cải thiện môi trường pháp lý và hợp lý hóa các thủ tục hành chính. Chẳng hạn, cải thiện tỉ lệ thi hành phán quyết trọng tài so với các nước; tăng tỉ lệ thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng; tiếp tục thông qua và thực hiện các hiệp định thương mại, đầu tư đa phương.
Để tiếp tục thu hút nhà đầu tư vào Việt Nam, cũng là cách đầu tư cho tương lai đất nước, cần tiếp tục duy trì ổn định thuế suất các loại thuế, bảo đảm thời gian chuyển đổi phù hợp và có sự hướng dẫn rõ ràng từ các cơ quan nhà nước khi thực thi chính sách mới... Những điều này sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là nhà đầu tư chiến lược, tin tưởng hơn vào môi trường chính sách của Việt Nam.
|
TP HCM nỗ lực thu hút đại bàng: Trở thành ngôi nhà thứ hai của nhà đầu tư - Ảnh 1. |
Dù gần đây vắng bóng các dự án đầu tư quy mô lớn song TP HCM vẫn có tiềm năng là trung tâm thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực quan trọng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông ANGUS LIEW, Chủ tịch HĐTV Gamuda Land Việt Nam:
Trọng tâm phát triển của doanh nghiệp
Gamuda Land vừa chính thức mở rộng sự hiện diện ở TP HCM thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) dự án bất động sản. Gần đây nhất là thương vụ M&A tại TP Thủ Đức với giá trị giao dịch 315 triệu USD (hơn 7.000 tỉ đồng).
Việt Nam hiện là thị trường nước ngoài quan trọng nhất của chúng tôi. TP HCM có môi trường năng động, sáng tạo; là đầu tàu kinh tế với động lực tăng trưởng mạnh mẽ; có chính sách theo dõi và cải thiện các thủ tục hành chính để khuyến khích kinh doanh, mở rộng đầu tư. Ngoài ra, thành phố còn có nguồn nhân lực đa dạng có chiều sâu, tiềm năng phát triển. Do đó, Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng vẫn là trọng tâm phát triển của tập đoàn trong 5-10 năm tới.
Để tăng cường lợi thế so sánh với các địa phương khác, TP HCM có thể cải thiện hơn nữa chính sách thuế, thủ tục cấp phép, gia hạn thời gian giấy phép lao động cho người nước ngoài; đẩy mạnh tháo gỡ các khó khăn về hạ tầng, năng lượng, quỹ đất, chuyển đổi số...
Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC):
Cần xác định nhu cầu của nhà đầu tư
TP HCM đang nỗ lực kiến tạo các lợi thế mới nhằm khôi phục sức hút các nhà đầu tư chiến lược đến hợp tác lâu dài.
Thu hút đầu tư cũng giống như hoạt động kinh doanh, đều dựa trên quan hệ cung - cầu. Vì vậy, TP HCM cần xác định được nhu cầu của các nhà đầu tư, tận dụng xu hướng dịch chuyển đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao trên thế giới và có chiến lược để mời gọi họ. Đặc thù của lĩnh vực đầu tư này là nhà đầu tư sẽ làm dự án quy mô lớn, không đòi hỏi tốn quá nhiều diện tích nhưng đòi hỏi đội ngũ lao động có trình độ cao và lao động có tay nghề.
Dựa trên nền tảng các khu công nghiệp đã có và sắp hết hạn thuê đất chu kỳ thứ nhất, TP HCM cần sàng lọc, quy hoạch lại, nâng cấp thành các khu công nghiệp xanh để bước vào chu kỳ cho thuê đất thứ 2.
TP HCM cũng cần quan tâm đến dòng đầu tư về tài chính. Phải chuẩn bị cho sự hình thành của trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP HCM bằng việc hoàn thiện môi trường pháp lý cùng với cơ chế thử nghiệm, các quy định, hệ thống luật pháp cho trung tâm tài chính này. Quan trọng là tìm ra những năng lực cốt lõi, điểm khác biệt và những tiêu chí để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào trung tâm tài chính; tạo hệ sinh thái hoàn chỉnh cho trung tâm.
Lợi thế rất lớn
Theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, TP HCM có rất nhiều lợi thế cạnh tranh nên nhà đầu tư đến từ châu Âu rất quan tâm. Họ muốn sử dụng TP HCM như một trung tâm phân phối nhập khẩu hàng từ nước ngoài về rồi xuất đi các nước khác trong bối cảnh nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.
"Tuy nhiên, vấn đề mà tất cả nhà đầu tư quan tâm là cơ sở pháp lý nào để họ triển khai các kế hoạch đầu tư. Mặt khác, TP HCM có quỹ đất để nhà đầu tư lớn của nước ngoài xây dựng, phát triển các trung tâm logistics hay không? Nếu giải quyết được cả vấn đề pháp lý cũng như mức độ sẵn sàng về các điều kiện thuận lợi cơ bản cho nhà đầu tư tham gia thì TP HCM sẽ có lợi thế rất lớn" - ông Minh nhận định.
|