Cụ thể, qua rà soát, nhiều dự án đăng ký thế chấp với thời gian dài nhưng chưa thực hiện thủ tục xoá đăng ký thế chấp, làm ảnh hưởng đến việc người mua nhà không được cấp giấy chứng nhận.
Trong đó có 41/60 dự án chủ đầu tư thế chấp từ năm 2016 đến 2023, một số dự án đã đưa vào sử dụng và bàn giao cho người mua nhà như, chung cư Bảy Hiền (quận 11) thế chấp năm 2008; chung cư Minh Thành (quận 7) thế chấp năm 2010; chung cư Phú Thạnh (quận Tân Phú) thế chấp năm 2010; chung cư Tân Hồng Ngọc (quận Tân Phú) thế chấp năm 2010...
Hoặc nhóm dự án vi phạm pháp luật về xây dựng như chủ đầu tư xây dựng không đúng giấy phép hoặc xây dựng không đúng quy hoạch nên không đủ điều kiện nghiệm thu, hoàn công, cấp giấy chứng nhận như: tự ý cơi nới, nâng tầng...
Giải trình về vấn đề này, đại diện Sở Xây dựng cho biết, theo quy định của pháp luật không được hợp thức hoá các công trình xây dựng, không được tái cấp phép xây dựng các phần sai phép trong khi thực tế đã xảy ra, thực tế các quận, huyện có thể triển khai cưỡng chế các phần này nhưng một số trường hợp không thể nào cưỡng chế phá dỡ được.
Quan điểm của Sở Xây dựng, đối với phạm vi nào không vướng đến vi phạm xây dựng thì sẽ cấp giấy chứng nhận, phần nào vi phạm về cấp phép xây dựng về mặt kết cấu, khả năng chịu lực, ảnh hưởng đến mặt lâu dài thì buộc phải xử lý.
Sở đã đề nghị UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện báo cáo thật bản chất của vấn đề đến Sở Xây dựng, UBND TP nội dung nào xử lý được, nội dung nào xử lý không được.
|
Hình minh họa. |
Liên quan đến vấn đề dự án bị thế chấp, quy định đã quy định rất cụ thể trước khi chủ đầu tư dự án ký hợp đồng mua bán phải giải chấp tài sản thế chấp hoặc phải có thoả thuận giữa bên thế chấp, chủ đầu tư, người mua nhà nên trong công văn thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với các dự án thế chấp luôn có câu dự án đã được thế chấp, trong trường hợp này các ngân hàng đều có công văn đồng ý cho phép chủ đầu tư mở bán.
Nếu chủ đầu tư cố tình chưa giải chấp mà ký hợp đồng với người mua nhà là lừa gạt. Tuy nhiên, vụ việc này xảy ra rất nhiều, thậm chí có trường hợp chủ đầu tư khi Sở Xây dựng đồng ý cho bán thì mới đem đi thế chấp, thế chấp cả nhà ở hình thành trong lai.
Lãnh đạo UBND TP HCM cho biết, các vi phạm trong hoạt động xây dựng, quản lý đất đai, vi phạm của các chủ đầu tư đã ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.
Vấn đề này cần phải xử lý theo từng trường hợp cụ thể, không thể xử lý theo nhóm được, vì mỗi một chủ đầu tư, mỗi một tình huống cần có cách thức xử lý khác nhau. Do đó, trong thời gian tới phải tập trung kiểm soát, không để xảy ra tình trạng tương tự. Đối với những sự việc cũ, vi phạm gây ảnh hưởng đến quá trình an toàn phòng cháy chữa cháy, cấp giấy chứng nhận, thì cần phải có hướng xử lý riêng.
Vừa quá các đơn vị đã có những biện pháp cưỡng chế, xử lý vi phạm hành chính, cả cưỡng chế tài chính, cưỡng chế tài khoản để bắt buộc chủ đầu tư phải chấp hành. Định hướng chung là như vậy, về cụ thể, trong quá trình thực hiện triển khai, UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo.
Liên quan đến các dự án chưa giải chấp ngân hàng nhưng chủ đầu tư vẫn bán, thời gian qua xảy ra rất nhiều. TP HCM sẽ cố gắng minh bạch thông tin tối đa để người dân biết, đồng thời tăng cường xử lý vi phạm...