Tòa thụ lý đơn yêu cầu phá sản, Coteccons báo lãi quý 2 hơn 30 tỷ đồng

Coteccons ghi nhận lãi cao kỷ lục trong 2 năm. Báo cáo tài chính quý II/2023 cũng không còn nhắc tới khoản nợ với Ricons khiến "đối thủ" này vừa yêu cầu Coteccons mở thủ tục phá sản.
Câu chuyện Công ty CP Xây dựng Coteccons bị Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons kiện ra toà, yêu cầu mở thủ tục phá sản do vấn đề công nợ vẫn đang làm “nóng” diễn đàn ngành xây dựng. Đây là hai công ty nằm trong hai liên danh khác nhau, trong tổng cộng 3 liên danh tham gia đấu thầu gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng của dự án sân bay Long Thành.
Coteccons không ghi nhận khoản nợ đối với Ricons
Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã: CTD) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023. Theo đó, doanh thu quý II của Coteccons ghi nhận tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 3.619 tỷ đồng. Tuy nhiên giá vốn bán hàng tăng mạnh hơn (chiếm 3.518 tỷ đồng) nên lợi nhuận gộp giảm 53%, đạt 101 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh xuống 120 tỷ đồng, từ mức 360 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2022, tương ứng mức giảm 67%. Nhờ đó, Coteccons báo lãi hơn 30 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 24 tỷ đồng. Mức lãi này cũng cao nhất trong 2 năm gần nhất của doanh nghiệp, kể từ quý III/2021. Theo Coteccons, nguyên nhân chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh là do công ty giảm khoản chi phí dự phòng xuống còn 55 tỷ đồng, so với cùng kỳ 2022 trích lập tới 256 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Coteccons mang về 6.748 tỷ đồng doanh thu, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 52 tỷ đồng, gấp 10 lần con số 5 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2022.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Coteccons đạt 21.374 tỷ đồng, tăng hơn 2.400 tỷ đồng so với đầu năm. Tiền và tương đương tiền tăng 77% lên gần 1.900 tỷ đồng. Tiền gửi ngân hàng cũng tăng 23% lên gần 2.000 tỷ đồng. Hàng tồn kho ở mức 3.216 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tài sản của CTD, với gần 11.600 tỷ đồng. Công ty phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi hơn 1.100 tỷ đồng.
Nợ phải trả của công ty cũng tăng tương ứng hơn 2.400 tỷ đồng. Tăng mạnh là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn và phải trả ngắn hạn khác. Vay nợ gần 1.200 tỷ đồng, biến động không nhiều so với đầu năm.
Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính quý II/2023, Coteccons không còn ghi nhận khoản nợ đối với Ricons trong phần phải trả người bán ngắn hạn. Trước đó, vào cuối quý I/2023, Coteccons ghi rõ khoản nợ 322,5 tỷ đồng với Ricons.
Toa thu ly don yeu cau pha san, Coteccons bao lai quy 2 hon 30 ty dong
 Tòa thông báo thụ lý đơn yêu cầu phá sản, Coteccons báo lãi quý 2 hơn 30 tỷ đồng (ảnh minh họa: Internet).
Trong khi đó, quý II/2023, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons ghi nhận doanh thu đạt 2.102 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu hoạt động tài chính tăng 170% lên mức 27 tỷ đồng, cộng thêm phần lãi từ công ty liên kết tăng đột biến gấp 30 lần cùng kỳ lên hơn 63 tỷ đồng.
Trừ đi các loại chi phí, Ricons lãi 52 tỷ đồng trong quý 2, tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt 3.821 tỷ đồng doanh thu và 68 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt giảm 20% và tăng 42% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Tổng tài sản của công ty tại thời điểm 30/6 đạt 7.263 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty có hơn 200 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm 600 tỷ đồng; gần 900 tỷ đồng gửi ngân hàng, tăng gấp đôi. Hàng tồn kho ở mức hơn 700 tỷ đồng.
Các khoản phải thu cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tài sản của Ricons, với hơn 3.900 tỷ đồng, giảm hơn 700 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty vẫn đang ghi nhận 322 tỷ đồng khoản phải thu với Coteccons, không có gì thay đổi so với thời điểm đầu năm.
Nợ phải trả của Ricons ở mức hơn 4.800 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Giảm đáng kể là khoản phải trả người bán ngắn hạn và vay nợ. Công ty chỉ còn gần 400 tỷ đồng nợ ngắn hạn, so với con số đầu năm là là 754 tỷ đồng.
Cùng "tố" nhau không thiện chí
Trong thông báo mới nhất ngày 29/7, Ricons cho biết, đối tượng bị yêu cầu mở thủ tục phá sản là Coteccons, không phải Ricons. Cùng đó, việc nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với Coteccons là kết quả của khoản công nợ quá hạn đã được Coteccons thừa nhận nhưng kéo dài nhiều năm không thanh toán. Ricons đã chủ động gửi nhiều công văn đến Coteccons đề xuất phương án giải quyết nhưng không nhận được phản hồi thiện chí từ Coteccons.
Cho biết tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu của Ricons từ ngày 4/7/2023, Ricons nhấn mạnh hành động pháp lý nêu trên không nhằm mục đích nào khác là để thu hồi khoản công nợ quá hạn đã lâu.
Đến thời điểm hiện tại, Ricons cho hay vụ việc vẫn đang được Tòa án giải quyết. Mọi lập luận, kết luận liên quan đến vấn đề giữa hai công ty sẽ được trình bày và giải quyết tại Tòa án – nơi được cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu về vụ việc.
Về phía Coteccons, trước đó, ngày 24/7, doanh nghiệp công bố thông tin về việc đã nhận được thông báo của Tòa án nhân dân TPHCM về việc thụ lý yêu cầu mở thủ tục phá sản của Ricons.
Sau đó, Coteccons thừa nhận có phát sinh các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả giữa hai công ty, là các công nợ từ giai đoạn trước năm 2019. Khi đó, Coteccons và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 7 công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, bao gồm Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho.
Với việc phát sinh công nợ, Coteccons cho biết đã nhiều lần yêu cầu các cuộc họp trực tiếp và văn bản nhưng Ricons không cung cấp được chứng từ pháp lý theo giá trị công nợ yêu cầu.
“Các tranh chấp công nợ hợp đồng kinh tế sẽ được sớm giải quyết theo tinh thần thiện chí tại các trung tâm trọng tài, tuy nhiên Ricons thiếu sự hợp tác và đã gửi đơn kiện lên toà án với tuyên bố yêu cầu phá sản. Đây là một hành động mà chúng tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên lại được thúc đẩy để diễn ra vào thời điểm này”, thông cáo báo chí của Coteccons nêu.
Coteccons và Ricons nằm trong 2 liên danh khác nhau, trong tổng cộng 3 liên danh tham gia đấu thầu gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) xây dựng án Sân bay Long Thành.
Ba liên danh tham gia gói thầu gồm: CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, Liên danh Hoa Lư và Liên danh VIETUR. Liên danh Hoa Lư do nhà thầu Việt Nam Coteccons đứng đầu. Thông tin về đơn vị trúng gói thầu 5.10 chưa được công bố.

Liên Hà Thái

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN