Trong Nghị quyết ngày 4/6, HĐQT TDH đề cập lý do bà Huệ bị miễn nhiệm là vì không hoàn thành nhiệm vụ được giao, thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm trong công việc.
Cụ thể, Công ty đã có quyết định kỷ luật bằng hình thức tạm đình chỉ chức vụ để giải trình nhưng vẫn tiếp tục có hành vi báo cáo thiếu trung thực, không có tinh thần trách nhiệm, khắc phục các sai phạm gây ra.
Trước đó, ngày 9/5, bà Huệ đã có đơn từ nhiệm gửi đến HĐQT TDH để không giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc và Người phụ trách quản trị Công ty từ ngày 9/5 với lý do có định hướng riêng. Bà chỉ vừa được bổ nhiệm vị trí Phó Tổng từ ngày 5/12/2023, tức mới được hơn 5 tháng trước khi nộp đơn từ nhiệm.
Với sự ra đi của bà Huệ, HĐQT TDH đã bổ nhiệm bà Lê Ngọc Xuân lần lượt giữ vai trò Người phụ trách quản trị của TDH từ ngày 27/5 và Thư ký HĐQT từ ngày 4/6. Trước khi được bổ nhiệm các vị trí trên, bà Xuân giữ chức Trưởng phòng Hành chính nhân sự của Công ty.
Cũng trong ngày 4/6, TDH đã ủy quyền cho bà Xuân làm Người được ủy quyền công bố thông tin. Theo đó, bà Xuân có trách nhiệm thay mặt Công ty thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định kể từ ngày 5/6.
Đã có kết quả phúc thẩm vụ án linh kiện điện tử 2017-2019
Cùng ngày 4/6, TDH công bố nội dung bản án phúc thẩm liên quan vụ án linh kiện điện tử giai đoạn 2017-2019 cũng như đưa ra hướng xử lý.
Cụ thể, về số tiền hoàn thuế GTGT hơn 365.5 tỷ đồng, Hội đồng xét xử tuyên TDH phải hoàn trả cho Cục thuế TPHCM số tiền hơn 365.5 tỷ đồng, do đó yêu cầu Cục Thi hành án dân sự TPHCM chuyển số tiền trên cho Cục thuế TPHCM (do đã tạm giữ trước đó) để khắc phục hậu quả.
Các bị cáo phải liên đới bồi hoàn số tiền hơn 340 tỷ đồng cho TDH, trong đó cựu Tổng Giám đốc TDH Nguyễn Vũ Bảo Hoàng và cựu Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Trường Chinh cùng 6 bị cáo khác mỗi người phải bồi thường gần 30 tỷ đồng. Để thi hành án, Hội đồng xét xử đã tuyên giải tỏa kê biên toàn bộ tài sản của ông Hoàng.
TDH cho biết theo bản án, nghĩa vụ phải thi hành án của mỗi bị cáo gồm 2 nghĩa vụ, bao gồm phần trách nhiệm cụ thể của từng người (phần nghĩa vụ riêng) và phần nghĩa vụ liên đới với các bị cáo khác. Điều này có nghĩa là ngoài phần nghĩa vụ riêng, các bị cáo còn có nghĩa vụ bồi thường cho TDH đến khi TDH nhận đủ số tiền 340 tỷ đồng.
Ông Hoàng đã thi hành án xong phần nghĩa vụ riêng nhưng còn phần nghĩa vụ liên đới, TDH cho biết sẽ có hành động pháp lý cần thiết nếu ông Hoàng có hành vi tẩu tán tài sản hoặc trốn tránh không thi hành án.
Về số tiền chậm nộp 91.7 tỷ đồng liên quan đến số tiền hoàn thuế GTGT mà Cục thuế TPHCM đang truy thu TDH, bản án tuyên số tiền chậm nộp trên do các bị cáo đã thực hiện vi phạm để chiếm đoạt, không phải lỗi chậm nộp từ phía TDH nên Công ty không có trách nhiệm nộp khoản phạt này. TDH có quyền khiếu nại, khởi kiện bằng vụ án hành chính để xem xét lại các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả từ Cục thuế TPHCM.
Theo đó, ngày 27/05/2024, TDH đã có đơn khởi kiện hành chính đến Tòa án Nhân dân TPHCM đề nghị hủy toàn bộ các quyết định truy thu số tiền chậm nộp trên của Cục thuế TPHCM đang áp dụng đối với Công ty.
Trước đó, ngày 14/05/2024, TDH đã có đơn tố giác tội phạm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với giai đoạn 1 (từ tháng 2/2017-1/2018) và giai đoạn 3 (tháng 7-8/2019) của vụ án do bản án phúc thẩm chỉ xét giai đoạn 2 (tháng 2/2018-6/2019).
Cụ thể, TDH cho rằng các bị cáo đã lợi dụng tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản ngân hàng của TDH để sử dụng tiền của Công ty ứng trước toàn bộ số tiền thuế GTGT đầu vào ở cả 3 giai đoạn với tổng số tiền gần 519 tỷ đồng cho các nhóm công ty ma của ông Trịnh Tiến Dũng.