Những dấu hiệu tích cực
Báo cáo thị trường mới đây của Cushman & Wakefield Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thu hút khoảng 13,43 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, bằng 95,7% so cùng kỳ và tăng 3 điểm phần trăm so với 5 tháng đầu năm, trong đó ngành kinh doanh bất động sản giữ vị trí thứ 3 với tổng vốn đăng ký 1,53 tỷ USD.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại, nhưng thị trường vẫn ghi nhận nhu cầu khá lớn đối với đất khu công nghiệp ở phía Nam, với lượng hấp thụ thuần hơn 70 ha; các dự án đầu tư mới và tăng vốn như thương vụ thuê đất đến từ tập đoàn nước giải khát đa quốc gia ở Long An và tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng tại Bình Dương đã giúp cho tỷ lệ lấp đầy giữ mức ổn định ở mức 81%.
Tại TP HCM, thị trường nhà liền thổ (quý 2/2023) chứng kiến những tín hiệu hồi phục khi lượng nguồn cung mới đang dần được tung ra nhiều hơn, với 282 căn, tăng 403% so với quý trước và tăng 45% so với cùng kỳ.
Các dự án đã hoàn thiện các quy trình pháp lý và bắt đầu xây dựng trở lại, đặc biệt là các dự án bị vướng mắc ở quý trước. Tổng nguồn cung sơ cấp toàn thị trường trong quý tập trung chủ yếu ở các giai đoạn mới trong các siêu dự án tại TP Thủ Đức, đạt 839 căn.
|
Thị trường đang xuất hiện nhiều cơ sở mới để tin tưởng rằng dòng vốn đầu tư bất động sản sẽ được cải thiện từ năm 2024. Ảnh: Hữu Thông. |
Lượng tiêu thụ nhà liền thổ trong quý 2 đạt 375 căn, tăng 792% so với quý 1 /2023 và tăng 71% so với cùng kỳ năm trước. Lượng bán gia tăng, nhờ vào các chính sách hỗ trợ người mua từ các chủ đầu tư. Đồng thời, các ngân hàng cũng đã giảm lãi suất trong thời gian gần đây…
Mới đây, Tập đoàn PropertyGuru đã công bố kết quả khảo sát mới nhất trên Batdongsan - một nền tảng trực thuộc tập đoàn này. Theo đó, có đến 61% người tham gia khảo sát có dự định mua bất động sản trong năm tới.
Trong đó, 59% có nhu cầu mua để đầu tư và đất nền là loại hình được hướng đến nhiều nhất (40%), tiếp đến là chung cư (28%) và nhà riêng (21%).
Với kết quả này, các chuyên gia tại đây nhấn mạnh dù tình hình thị trường hiện tại chưa khởi sắc, người Việt vẫn luôn “ấp ủ” mong muốn sở hữu đất nền.
Kỳ vọng tăng trưởng trong năm sau
Theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh miền Bắc, thời gian gần đây, chính sách đối với bất động sản có những điểm tích cực. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang rất sát sao hạ lãi suất, đặc biệt là lãi suất đầu vào, nhằm có lãi suất đầu ra tốt hơn.
Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần giảm lãi suất cho vay đối với người mua nhà cũng như doanh nghiệp.
“Với những tín hiệu tích cực từ NHNN sẽ kích thích được người mua nhà, đặc biệt là những người có nhu cầu thực và đầu tư lâu dài. Còn về giá bất động sản, từ nay đến cuối năm sẽ không có đột biến, mà sẽ chờ sang năm sau mới khởi sắc. Chúng ta có thể hoàn toàn tự tin về việc này”, ông Quyết dự báo.
Làm rõ các cơ sở kỳ vọng tăng trưởng trong năm sau, bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, thị trường những tháng qua đang trải qua giai đoạn trầm lắng. Nói một cách lạc quan hơn, thị trường đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn.
Vị chuyên gia này đánh giá, nền tảng kinh tế hiện tại của Việt Nam vẫn còn rất tốt, thị trường vẫn có làn sóng nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển sang đầu tư ở Việt Nam.
Dòng vốn FDI của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào bất động sản, họ quan tâm và cam kết đầu tư ở Việt Nam. Đồng thời, số lượng các nhà đầu tư trong nước cũng không ngừng phát triển và mở rộng danh mục đầu tư.
Bên cạnh đó, một loạt hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng cũng là điểm sáng trong thời điểm này. Điển hình như sự kiện khánh thành cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, khởi công Vành đai 3, sự kiện tái khởi động thi công cao tốc Bến Lức - Long Thành hay sân bay Long Thành cũng đang tích cực thi công.
Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành những cập nhật thay đổi pháp lý tích cực nhằm gỡ vướng và thúc đẩy cho thị trường bất động sản. Tính đến nay, Bộ Xây dựng, tổ công tác của Thủ tướng đã xử lý, giải quyết 71 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 121 dự án bất động sản trên cả nước.
Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, hướng dẫn thi hành Luật đất đai và quy định về lãi suất và bảo lãnh ngân hàng.
Dựa trên những cơ sở này, vị chuyên gia tại Cushman & Wakefield tin rằng dòng vốn đầu tư bất động sản sẽ được cải thiện trong giai đoạn 2024- 2026.
“Lúc này, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ có sự tham gia của nhiều tổ chức đầu tư lớn toàn cầu. Đây cũng là thời điểm thị trường được kỳ vọng tăng trưởng”, bà Trang nhấn mạnh.
Về vấn đề lãi suất, bà Trang cho biết hiện NHNN vẫn đang kiểm soát được, trong đó, lãi suất huy động đã giảm nhưng lãi suất cho vay thì chưa, điều này ảnh hưởng lớn tới quyết định xuống tiền của người mua. “Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư nước ngoài, yếu tố này chỉ mang tính thời điểm, nó không phải vấn đề quá lớn với họ”, bà Trang nói thêm.
Dĩ nhiên, bà nhìn nhận thị trường sẽ còn một chút khó khăn do vẫn còn nhiều dự án bị trì hoãn quy trình phê duyệt pháp lý.
“Để có thêm nhiều hoạt động đầu tư bất động sản diễn ra trên thị trường, Việt Nam sẽ cần đạt mức độ minh bạch cao hơn, quy hoạch đô thị bài bản cũng như khung pháp lý vững vàng hơn nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài”, bà Trang nhấn mạnh.