Thị trường bất động sản Việt Nam trong quý 1/2024 ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn trầm lắng do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trong Q1/2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 5,7%, cao hơn mức tăng trưởng Q1 giai đoạn 2020-2023. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái và lạm phát cơ bản tăng 2,8%.
FDI ghi nhận mức tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái lên 6,2 tỷ USD, bao gồm vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần. Việt Nam cũng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 644 dự án mới với tổng vốn đăng ký 4,8 tỷ USD, đánh dấu mức tăng đáng chú ý 23% về số lượng dự án và 58% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể thấy, nền kinh tế vĩ mô tăng trưởng ấn tượng, du lịch nội địa và quốc tế hồi sinh, cùng với nhu cầu nhà ở gia tăng, đặc biệt là nhà giá rẻ và nhà cho thuê, là những yếu tố chính thúc đẩy thị trường.
Thị trường căn hộ hai thành phố lớn ghi nhận xu hướng trái chiều trong Q1/2024. Hà Nội sôi động với phân khúc thứ cấp, giá nhà sơ cấp tăng cao do nguồn cung giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. TP.HCM đối mặt khó khăn do nguồn cung sơ cấp giảm mạnh 35% trong Q1/2024 và chính sách bán hàng. Lãi suất ưu đãi tại kéo dài lên đến 15 năm tại TP.HCM có thể là điểm sáng thu hút thị trường trong thời gian tới.
Mảng văn phòng ở Hà Nội và TP. HCM cũng ghi nhận sự biến động trong Q1/2024. Hà Nội ổn định với nguồn cung, giá thuê và công suất, trong khi TP.HCM nguồn cung tăng, giá thuê tăng nhưng công suất giảm. Điểm chung của hai thị trường là nhu cầu thuê văn phòng tập trung vào các ngành ICT, FIRE, Sản xuất và di dời văn phòng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy thị trường.
|
Thị trường bất động sản Việt Nam Q1/2024 cho thấy nhiều tín hiệu tích cực |
Thị trường bán lẻ Hà Nội và TP.HCM ghi nhận hoạt động ổn định trong Q1/2024 với doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 63 tỷ USD. Giá thuê mặt bằng bán lẻ tại cả hai thành phố đều có xu hướng tăng, tại Hà Nội tăng 2% theo quý và 13% theo năm lên 1.200.000 VND/m²/tháng, TP.HCM tăng 4% theo năm lên 1.300.000 VND/m²/tháng.
Công suất lấp đầy tại Hà Nội giảm nhẹ xuống 88%, TP.HCM duy trì ở mức 92%. Nhu cầu mua sắm của người dân được đánh giá là yếu tố chính thúc đẩy thị trường bán lẻ hai thành phố lớn.
Q1/2024 cũng ghi nhận tín hiệu tích cực cho thị trường du lịch và bất động sản khách sạn Việt Nam. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong Q1/2024 đạt 4,6 triệu, tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019.
Thị trường du lịch nội địa cũng đang trên đà phục hồi với nhiều hoạt động sôi nổi. Du lịch quốc tế được thúc đẩy bởi lượng khách du lịch từ các thị trường châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Úc,...
Tuy chưa hoàn toàn trở lại mức trước đại dịch, thị trường khách sạn tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đã cho thấy tín hiệu tích cực. Tại Hà Nội, công suất lấp đầy khách sạn trung bình đạt 65%, tăng so với Q4/2023.
Giá phòng trung bình cũng tăng 2% theo quý và 11% theo năm. TP.HCM ghi nhận công suất lấp đầy 66% và giá phòng trung bình 2.100.000 VND/phòng/đêm, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ lượng chuyên gia nước ngoài quay trở lại và dòng vốn FDI gia tăng, phân khúc căn hộ dịch vụ tại Hà Nội và TP.HCM vẫn duy trì hoạt động hiệu quả. Sự phục hồi của du lịch MICE cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu đối với loại hình lưu trú này. Các dự án căn hộ dịch vụ mới được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng nguồn cung và đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường.
Với tiềm năng du lịch lớn và sự phục hồi của nền kinh tế, thị trường bất động sản khách sạn Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Nhu cầu lưu trú cao cấp, đặc biệt là từ phân khúc khách du lịch MICE và khách hàng doanh nhân, sẽ là động lực chính thúc đẩy thị trường.
Nhìn chung, thị trường bất động sản Việt Nam Q1/2024 cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Nền kinh tế vĩ mô vững mạnh, du lịch hồi sinh và nhu cầu nhà ở cao là những yếu tố thúc đẩy thị trường trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý một số rủi ro như lãi suất ngân hàng có thể tăng, nguồn cung một số phân khúc có thể hạn chế.