Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng diễn biến theo hướng tích cực

Theo chuyên gia, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 6 tháng cuối năm sẽ rất tích cực, nguồn cung lĩnh vực này vẫn sẽ tăng.

Tại Hội thảo 'Cơ hội mới của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng' do báo Tiền Phong tổ chức sáng 22/7, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2022 có gần 60 dự án bất động sản nghỉ dưỡng tăng cao so với năm 2021. Trong đó, phân khúc tập trung vào biệt thự nghỉ dưỡng với 26 dự án (2.776 căn); Nhà phố và shophouse nghỉ dưỡng là 23 dự án với 5.145 căn và loại hình condotel là 8 dự án với 1.591 căn.

Về mặt bằng giá, dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng giá vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước với mức từ 9- 40%. Trong đó, tăng mạnh nhất là Nhà phố và shophouse với 30- 40%; biệt thự nghỉ dưỡng tăng 11- 28%; condotel là 9- 15%.

Cơ hội của thị trường có nhiều dấu hiệu tốt khi sự phục hồi kinh tế trong đó GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6.42%; FTA là cơ sở thu hút vốn đầu tư nước ngoài, gia tăng xuất nhập khẩu; Gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ và phục hồi kinh tế sau đại dịch trong đó có 1/3 gói tương đương 114.000 tỷ đồng chi cho phát triển cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt, định hướng phát triển du lịch của Nhà nước hướng đến mục tiêu đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế năm 2025 và ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế đến năm 2030.

Về hạ tầng giao thông, Việt Nam đang được coi là đại công trường với nhiều dự án sắp hình thành. Ở TP HCM và phụ cận có nhiều dự án sắp hình thành như cao tốc Bến Lức – Long Thành, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TPHCM – Mộc Bài, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, sân bay Long Thành. Ở Hà Nội và phụ cận có Metro số 3 (Hà Nội – Hoàng Mai), Vành đai 2, Vành đai 3.

Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cũng nhìn nhận nhiều thách thức, trong đó nền kinh tế đang gặp nhiều khó; tăng cường kiểm soát tín dụng vào bất động sản, rà soát phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Nút thắt pháp lý, cấp phép dự án mới chưa được tháo gỡ; Luật chưa quy định một số loại hình bất động sản như condotel; đà phục hồi của khách du lịch quốc tế chưa được như kỳ vọng; mức giá tăng do chi phí đầu vào tăng…

Thi truong bat dong san nghi duong dien bien theo huong tich cuc
 Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam. Ảnh: TP.

Vị đại diện của DKRA dự báo, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 6 tháng cuối năm cũng sẽ rất tích cực, nguồn cung lĩnh vực này vẫn sẽ tăng nhẹ so với 6 tháng đầu năm, tập trung vào một số thị trường như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu và Phú Quốc; giá bán sơ cấp tiếp tục tăng do chi phí đầu vào tăng,  ông Thắng nói.

Đồng tình với các quan điểm trên, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá một nền tảng thuận lợi và là điểm sáng là nguồn vốn FDI, là xuất khẩu dương… đã trực tiếp tác động đến bất động sản và bất động sản nghỉ dưỡng, tạo tiền đề tích cực cho bất động sản phát triển.

Mặt khác, nguồn thu ngân sách 6 tháng đầu năm tăng vượt kế hoạch, trong khi chi chưa nhiều. Điều này tạo dư địa giúp Chỉnh phủ có thể thực hiện các nhiệm vụ chi, trong đó có chi cho đầu tư hạ tầng giao thông.

TS. Đinh Thế Hiển nhấn mạnh, bối cảnh 6 tháng đầu năm cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi đáng kể, cùng với việc quản lý ngân sách ổn định... đã hỗ trợ tích cực cho nền bất động sản.

Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho rằng một vấn đề lớn tác động mạnh đến bất động sản nghỉ dưỡng là nguồn vốn – đóng vai trò quyết định – thì năm nay đang gặp khó khăn trong bối cảnh chịu tác động của các chính sách được triển khai kể từ tháng 7 này. Cùng với đó, hoạt động du lịch quốc tế chưa hoạt động trở lại bình thường cũng là một rào cản lớn cho thị trường bất động sản.

Nhận định thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 2022 - 2023, ông Đinh Thế Hiển cho rằng đây là thị trường dịch vụ đáng được khuyến khích, dù thị trường này cũng còn gặp nhiều khó khăn chung của thị trường bất động sản. Đặc biệt, năm 2023 sắp tới sẽ có một số xung lực tập trung vào bất động sản nghỉ dưỡng biển khu vực phía Nam. Có thể kể đến việc đầu tư hạ tầng giao thông, như Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, Cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường Vành đai 3.

 

Như Ý

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN