Cơ quan thanh tra đã phát hiện nhiều khuyết điểm, vi phạm trong chấp hành chính sách, pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư du lịch.
Đáng chú ý, tại dự án khách sạn 5 sao JW Marriott Hà Nội do Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ phát hiện thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu, dự án chưa được Hội đồng nhân dân TP Hà Nội thông qua.
|
Khách sạn 5 sao JW Marriott Hà Nội. (Ảnh: Zing). |
Theo kết luận, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định thu hồi đất cho Bitexco thuê để xây dựng khách sạn 5 sao JW Marriot Hà Nội, trong đó diện tích khu khách sạn kết hợp sân vườn và diện tích mặt nước chưa đúng theo quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng Trung tâm hội nghị quốc gia.
Thanh tra Chính phủ còn cho rằng việc xác định dự án thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư là không đúng quy định. Do vậy, số tiền thuê đất nhà đầu tư phải nộp bổ sung là 26,2 tỷ đồng.
Biết gì về Tập đoàn Bitexco?
Tìm hiểu của phóng viên, tiền thân của Bitexco là Công ty dệt Rạng Đông được thành lập năm 1985, sau đó đổi tên thành Công ty dệt Bình Minh. Đến năm 1993 đổi tên thành công ty TNHH SXKD XNL Bình Minh (Bitexco). Nhà sáng lập Tập đoàn Bitexco là ông Vũ Quang Hội (Chủ tịch Tập đoàn Bitexco).
Năm 1996, Bitexco đa dạng hóa ngành nghề sang đầu tư sản xuất nước khoáng Vital và thành lập nhà máy nước khoáng Vital. Năm 2000, Công ty này mở rộng sang nhiều lĩnh vực như bất động sản, thủy điện, hạ tầng giao thông, khoáng sản. Đến năm 2011 đổi sang mô hình tập đoàn.
Sau hàng chục năm hoạt động, Tập đoàn Bitexco đã trở thành một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu tại Việt Nam như: Bất động sản, năng lượng, đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông...
|
Bitexco Financial Tower. |
Bitexco còn được biết đến nhiều hơn trong vai trò chủ đầu tư của hàng loạt dự án bất động sản nổi tiếng như: Tòa nhà Bitexco (tại quận 1, TP.HCM), khách sạn JW Marriott Hotel Hanoi (Hà Nội) - vừa bị TTCP chỉ ra sai phạm, The Manor Hanoi, The Manor I và II tại TP.HCM, The Manor Lào Cai, The Manor Central Park tại phía Tây Nam Hà Nội.
Ngoài ra, đại gia Vũ Quang Hội còn hướng Bitexco trở thành Tập đoàn tư nhân tiên phong tại Việt Nam thực hiện các dự án xây dựng đường giao thông cao tốc thí điểm như: Dự án đường BT Chu Văn An (khởi công 5/2014), dự án đường tránh Thanh Hóa, và dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
Bên cạnh những dự án bất động sản nghìn tỷ, những đập thủy điện “khổng lồ”, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, ông Vũ Quang Hội còn mạnh tay đầu tư vào mỏ Cá Tầm mở ra bước ngoặt mới trong việc khai thác dầu khí tại Việt Nam.
|
Chân dung ông Vũ Quang Hội – Chủ tịch HĐQT Bitexco. |
“Trùm” bê bối xoay quanh các dự án đầu tư
Thực tế, trên đây không phải lần đầu tiên Tập đoàn Bitexco bị cơ quan chức năng chỉ ra sai phạm trong hoạt động đầu tư.
Trước đó, vào năm 2014 Bitexco được chỉ định là nhà đầu tư tuyến đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An theo hình thức BT, gồm phần tuyến đường (bao gồm tuyến số 1, tuyến số 5) và nút giao tuyến số 1 và đường 70. Đổi lại, Bitexco được UBND TP Hà Nội dành cho khu đất phía Nam đường vành đai 3 rộng tới 90 ha để triển khai khu đô thị The Manor Central Park.
Tháng 7/2017, trong thông báo về kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường thuộc địa bàn TP Hà Nội, dự án này bị Thanh tra Chính phủ có nhắc đến với nhiều vi phạm.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ kết luận UBND TP Hà Nội không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định đánh giá năng lực đối với một số nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ; lựa chọn ký hợp đồng để thực hiện dự án đối với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực quy định trong đó có Bitexco đối với dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An.
Hầu hết các dự án đều bị chậm tiến độ so với yêu cầu, một phần do nguyên nhân năng lực về huy động vốn, bố trí vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án của nhà đầu tư yếu kém không đảm bảo theo tiến độ giải ngân cam kết.
Ngoài ra, một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán của một số dự án BT đã được UBND TP Hà Nội và các cơ quan trực thuộc thẩm định, phê duyệt chưa chính xác, chưa đúng chế độ quy định làm sai tổng vốn đầu tư dự án, ảnh hưởng đến tính toán, sắp xếp các phương án giao đất đối ứng để xác định tiền sử dụng đất.
Với dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng vốn đầu tư không chính xác do tính sai khối lượng, áp dựng đơn giá và định mức không đúng, làm tăng số tiền 12,2 tỷ đồng. Công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công chưa chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và áp dụng định mức chưa đúng, làm sai tăng số tiền 15,9 tỷ đồng.
Phần chi phí lãi vay nguồn vốn trái phiếu và vay vốn tín dụng tại Ngân hàng Vietinbank trước thời điểm khởi công dự án (ngày 15/5/2014) không được xác định để tính chi phí lãi vay trong Tổng mức đầu tư dự án BT được phê duyệt; việc giao đất và xác định tiền sử dụng đất của dự án đối ứng chậm theo chỉ đạo của Chính phủ.
Hồi tháng 4 vừa qua, Bitexco cũng bị UBND TP HCM quyết định xử phạt vi phạm hành chính 350 triệu đồng.
Cụ thể, Bitexco đã xây dựng một hệ thống xử lý nước thải, công suất 250 m3/ngày đêm tại dự án Trung tâm văn phòng thương mại dịch vụ tài chính Bitexco Financial Tower nhưng chưa có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo quy định.
Theo Điều 16 Nghị định 16/2022 (khoản 9), hành vi xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt sẽ bị phạt tiền đến 180 triệu đồng. Cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ.
- Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác.
- Phạt tiền từ 160 triệu đồng đến 180 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
- Phạt đến 180 triệu đồng nếu xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng, đô thị.
Theo khoản 13 và khoản 14 Điều 16 Nghị định 16/2022, trường hợp đã bị xử phạt hành chính với các vi phạm nêu trên mà tái phạm (nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự) thì bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 950 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng. Đồng thời, tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng từ 9 tháng đến 12 tháng (nếu có) và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Căn cứ điểm c khoản 15 Điều 16 Nghị định 16/2022, ngoài việc bị xử phạt nêu trên còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.