Sau gần 2 thập kỷ, khu du lịch biển Tiên Trang vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng

Sau 16 năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư, khu đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang vẫn chưa hoạt động bởi việc GPMB của dự án chưa hoàn thành.
16 năm chưa giải phóng xong mặt bằng

Dự án khu đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang có diện tích sử dụng đất là 100,92 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 217,38 tỷ đồng. Dự án này nằm dọc đường bờ biển dài khoảng hơn 2 km trên địa phận 3 xã Quảng Lợi (nay là xã Tiên Trang), Quảng Thạch, Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Theo quy hoạch, dự án sẽ hình thành khu dịch vụ thương mại; khu biệt thự, nhà ở có vườn; khu du lịch sinh thái; khu dân cư liền kề; chung cư cao cấp kết hợp thương mại khách sạn; khu thu mua, bảo quản thủy hải sản; quảng trường trung tâm... Đồng thời xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Hệ thống giao thông trong khu du lịch sẽ được bố trí theo dạng ô cờ với các trục chính hướng ra biển và trục giao thông dọc biển kết hợp với tổ hợp công trình kiến trúc tạo thành khu du lịch, khu đô thị mới hiện đại.

Sau gan 2 thap ky, khu du lich bien Tien Trang van chua giai phong xong mat bang

Sau gần 2 thập kỷ, khu du lịch biển Tiên Trang chưa giải phóng xong mặt bằng. Ảnh: Q.T

Ngoài ra, các cụm dân cư tập trung với mật độ cao sẽ được giữ lại để nâng cấp, cải tạo và đầu tư công trình kỹ thuật hạ tầng, khuyến khích người dân xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết, chuyển dần môi trường sống từ dân cư nông nghiệp sang dân cư đô thị nhằm nâng cao đời sống và cải thiện môi trường sống của người dân...

Dự án từng được giới thiệu là khu du lịch sinh thái biển tổng hợp mô hoành tráng với kỳ vọng phát triển du lịch biển của huyện Quảng Xương và được nhiều người dân mong đợi. Tuy nhiên, sau nhiều năm chờ đợi, sự kỳ vọng dần biến thành nỗi thất vọng của người dân địa phương.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, dự án do Công ty TNHH Soto làm chủ đầu tư, được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2008. Dự án ban đầu thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất nhưng theo đề nghị của Soto, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý cho công ty tự thỏa thuận với dân.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, công ty này đã tự thỏa thuận giải phóng mặt bằng (GPMB) được 44,8 ha. Tuy nhiên, diện tích đất đã GPMB xen lẫn với diện tích chưa GPMB nên dự án chưa đủ điều kiện để thực hiện dự án, chỉ đủ điều kiện để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Đến năm 2012, do ách tắc trong công tác GPMB nên nhà đầu tư bàn giao lại cho huyện Quảng Xương thực hiện. Đến năm 2016, đơn vị mới phê duyệt dự án đầu tư và được UBND huyện cấp giấy phép xây dựng.

Ngày 2/8/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định về việc giao đất, cho thuê đất 35,6 ha cho Soto thực hiện dự án (đợt 1), phần diện tích này đủ điều kiện để thực hiện dự án. Còn diện tích đất chưa được bàn giao của dự án khoảng 65 ha, trong đó, 35 ha đã được GPMB và 30ha chưa GPMB.

Đến tháng 7/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa thành lập đoàn kiểm tra trình tự, thủ tục thực hiện các dự án của Công ty TNHH Soto do ông Bùi Đình Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp làm trưởng đoàn.

Đoàn kiểm tra đã làm việc với Soto và UBND huyện Quảng Xương để rà soát trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, tiến độ đầu tư, GPMB. Đồng thời kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại dự án.

Qua rà soát, đoàn kiểm tra nhận thấy tiến độ GPMB chưa đảm bảo. Về việc chậm tiến độ thực hiện dự án, Công ty Soto có lỗi khi để chậm 4 năm (từ 2008-2012) vì đề nghị tự thỏa thuận với dân để GPMB nhưng không được.

Bên cạnh đó, từ tháng 9/2012, UBND huyện Quảng Xương đã thành lập hội đồng GPMB nhưng gần 8 năm UBND huyện chưa kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường.

Do đó, đoàn kiểm tra kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Quảng Xương phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở TN&MT cùng các đơn vị liên quan sớm hoàn thành các thủ tục pháp lý như: Xác định ranh giới vị trí đất rừng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường tái định cư… để triển khai GPMB, bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

Đồng thời, yêu cầu Soto ký cam kết tiến độ GPMB với UBND huyện Quảng Xương theo quy định. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, việc GPMB của dự án vẫn "giậm chân tại chỗ".

Dự án thành nơi chăn, thả gia súc

Theo ghi nhận, vào ngày 20/9/2024, khu vực thi công của dự án mới chỉ xây dựng một khu quảng trường và vài điểm kinh doanh dịch vụ nhà hàng.

Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông trong khu vực dự án vẫn chưa hoàn thiện. Phần lớn diện tích đất thực hiện dự án cỏ dại mọc um tùm, trở thành nơi chăn, thả gia súc của nhiều người dân.

Hiện nhiều ngôi nhà nằm trong khu vực dự án vẫn chưa được GPMB, một số ngôi nhà xuống cấp người dân đang tiếp tục cải tạo, sửa chữa để sử dụng. Dù chưa thực hiện xong công tác GPMB nhưng một số công trình, nhà hàng mới vẫn "mọc" lên để kinh doanh.

Được biết, ngoài một phần đất nông nghiệp, phần lớn diện tích đất thuộc phạm vi dự án phải thu hồi đều có nguồn gốc là đất lâm nghiệp và rừng phi lao phòng hộ ven biển, trước kia là bãi cát, xã giao cho hợp tác xã và các đoàn thể quản lý để trồng rừng, các tổ chức này giao lại cho các hộ dân.

Sau gan 2 thap ky, khu du lich bien Tien Trang van chua giai phong xong mat bang-Hinh-2

Phần lớn diện tích đất thực hiện dự án cỏ dại mọc um tùm, trở thành nơi chăn, thả gia súc của nhiều người dân. Ảnh: Q.T

Từ những năm 1980 đến nay, các hộ dân đã sử dụng liên tục diện tích được giao để trồng phi lao và dùng một phần làm nhà ở, một số không nhiều dựng quán bán hàng, kinh doanh ăn uống.

Nói về rừng phòng vộ ven biển, ông Lê Văn Thịnh (thôn Thạch Bắc, Quảng Thạch, Quảng Xương) cho biết, từ xưa đến nay người dân nơi đây sống nhờ vào rừng phòng hộ. Bởi đây là nơi chắn sóng, chắn bão và là nơi neo đậu bè mảng của người dân biển, phục vụ cho cuộc sống đánh bắt hản sản của người dân. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án đã làm ảnh hưởng đến diện tích rừng khiến người dân nơi đây cảm thấy lo lắng.

"Việc thực hiện dự án có thể sẽ giúp kinh tế ở địa phương phát triển và nhiều người có công ăn việc làm. Tuy nhiên, việc quy hoạch dự án ảnh hưởng đến rừng phòng hộ ven biển cũng chính là ảnh hưởng đến người dân chúng tôi. Bởi bao đời nay, rừng phòng hộ đã giữ bình yên cho mái nhà của người dân biển. Đến nay, tỉnh đồng ý cho quy hoạch rừng phòng hộ để làm dự án thì chúng tôi không biết phải sống như thế nào", ông Thịnh nói.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều người dân địa phương cho biết, bản thân họ cũng không biết dự án khu đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang được quy hoạch ra sao vì không cắm mốc giới rõ ràng và chưa được chính quyền công bố thông tin.

Trao đổi với  PV về vấn đề liên quan đến dự án, ông Trần Phú Dũng, Chủ tịch UBND xã Tiên Trang cho biết, ông về công tác tại xã được hơn 1 năm nhưng chưa thấy hội đồng GPMB triển khai nên không nắm rõ được vấn đề này. Đồng thời, vị Chủ tịch UBND xã Tiên Trang đề nghị phóng viên liên hệ với UBND huyện Quảng Xương và UBND tỉnh Thanh Hóa để tìm hiểu thêm thông tin.

"Người dân đều mong muốn dự án sớm đi vào hoạt động để kinh tế, du lịch địa phương phát triển và tạo thêm việc làm cho người dân. Tuy nhiên, dự án rộng cả trăm ha đã triển khai nhiều năm rồi nhưng vẫn chưa hoàn thành", ông Dũng nói.

Về phía chủ đầu tư, ông Phạm Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH Soto cho biết, dự án hiện nay đang tồn tại rất nhiều vấn đề và công ty đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa nhưng đến vẫn chưa được giải quyết.

Đồng thời, theo Giám đốc Công ty TNHH Soto, doanh nghiệp này đang tiếp tục có những đề nghị gửi đến UBND tỉnh đề trình bày rõ quan điểm của doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Soto thành lập ngày 27/1/2010, hoạt động chính trong lĩnh vực may mặc trang phục (trừ trang phục từ da lông thú), có trụ sở tại đô thị Công nghiệp du lịch biển Tiên Trang, xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá.

Doanh nghiệp này thành lập với số vốn ban đầu là 6,5 tỷ đồng, do ông Phạm Đình Hải (SN 1954, ở Thanh Hóa) làm Tổng giám đốc kiêm Giám đốc và đại diện pháp luật của công ty.

Tính đến ngày 31/5/2024, vốn điều lệ của Soto là hơn 90,6 tỷ đồng. Trong đó, gần 10,6 tỷ đồng là giá trị quyền sử dụng đất; hơn 33,6 tỷ đồng tiền mặt và hơn 46,4 tỷ đồng là các tài sản khác.

 PV sẽ tiếp tục liên hệ UBND huyện Quảng Xương để tìm hiểu về tiến độ GPMB, vấn đề quy hoạch, đầu tư dự án và những vướng mắc khiến Công ty TNHH Soto triển khai hơn 16 năm nhưng vẫn chưa thể hoàn thành.

Theo Quang Tuyền/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN