Theo tông tin trên Thương hiệu & Pháp luật, ngày 28/5 tới, Đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội do ông Cù Quang Anh, Phó chánh Thanh tra Sở làm Trưởng đoàn, sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư tại tòa chung cư HHB thuộc Khu đô thị Tân Tây Đô (Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội), do Công ty CP Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư.
|
Thông báo kiểm tra công tác quản lý sử dụng nhà chung cư tại tòa chung cư HHB thuộc Khu đô thị Tân Tây Đô. Ảnh: TH&PL. |
Các nội dung đoàn kiểm tra sẽ làm việc, gồm: Kiểm tra hồ sơ pháp lý của dự án; bàn giao và tiếp nhận hồ sơ, kinh phí bảo trì, xác định phần diện tích chung, phòng sinh hoạt cộng đồng…giữa chủ đầu tư và Ban quản trị tòa nhà (BQT).
Kiểm tra công tác quản lý vận hành nhà chung cư; lấn chiếm không gian xung quanh và các phần thuộc sở hữu chung; chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung, phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp.
Khu Đô thị mới Tân Tây Đô có quy mô 60.801,2 m2 bao gồm 3 tòa chung cư với 6 đơn nguyên cao 25 tầng: CT1A, CT1B, CT2A, CT2B, HHA, HHB. Mỗi tòa có chiều cao 25 tầng, mật độ xây dựng từ 30 – 40 %. Thời gian gần đây, dự án này từng bị dư luận chú ý khi "dính" khá nhiều sai phạm.
Vi phạm hàng loạt về PCCC
Trước đó, theo VietQ, tháng 2/2018, Phòng cảnh sát PCCC số 13 (Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với Khu chung cư HHB và phát hiện khu chung cư này còn nhiều lỗ hổng về PCCC mà chưa được Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát sửa chữa, hoàn thiện.
Tại thời điểm bị kiểm tra, khu vực tầng thương mại (từ tầng 1 đến tầng 3) chưa thi công hoàn thiện, chưa lắp đặt hệ thống PCCC. Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát cũng tự ý tiến hành xây chia mặt bằng bằng các vách gạch ngăn chia thành các phòng không đúng với hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt để bỏ hoang gần 3 năm nhưng chưa được thẩm duyệt bổ sung về PCCC.
|
Từ tầng 1 đến tầng 3 của Khu chung cư HHB chưa đảm bảo an toàn về PCCC. Ảnh: Bảo Bình/VietQ. |
Không những thế, lối thoát nạn từ tầng hầm theo thang bộ lên khu vực thương mại đã bị xây tường bịt kín từ lâu, không sử dụng được sai hoàn toàn so với hồ sơ thiết kế được thẩm duyệt; Trục kỹ thuật chưa được chèn bịt kín bằng vật liệu không cháy theo quy định; Hệ thống báo cháy tự động hoạt động không đảm bảo theo quy định; Hệ thống họng nước chữa cháy hoạt động không đảm bảo theo quy định; Hệ thống chữa cháy tự động chưa được giám sát hoạt động; Cụm bơm chữa cháy không có tem kiểm định, không đảm bảo chế độ hoạt động theo quy định.
Kết quả kiểm tra của Phòng PCCC cũng cho thấy hệ thống hút khói hành lang tại chung cư HHB không hoạt động ngay tại thời điểm kiểm tra; Hệ thống hút khói tầng hầm chưa đảm bảo khả năng kết nối liên động với hệ thống báo cháy;
Hệ thống vòi lăng chữa cháy tại sảnh tầng 1 không có nước vì không được đấu nối vào hệ thống chữa cháy Tòa nhà do trục ống nước được nối với 3 tầng thương mại chưa được đầu tư hệ thống PCCC nên hồ sơ hoàn công của tòa nhà về PCCC đã thể hiện toàn bộ hệ thống đấu nối nước cho sảnh tại tầng 1 Tòa chung cư HHB chỉ được lắp giả chứ không có nước?
Với hàng loạt lỗi vi phạm nghiêm trọng trên, Phòng PCCC số 13 yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát phải tiến hành thi công hoàn thiện khu vực tường bao quanh theo nội dung cam kết tại biên bản. Đồng thời, thi công hoàn thiện lối ra thoát nạn và hệ thống PCCC khu vực thương mại đảm bảo theo hồ sơ thiết kế thẩm duyệt và nội dung cảm kết tại văn bản số 78 của Công ty Đầu tư Hải Phát; Thực hiện bịt kín trục kỹ thuật qua sàn, tường ngăn cháy.
CĐT tự ý tăng giá nước trong khi chất lượng nước không đảm bảo
Trước các vi phạm nghiêm trọng về PCCC, Khu nhà chung cư HHB thuộc Khu đô thị Tân Tây Đô do Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư còn gây tranh cãi trong dư luận với các vấn đề liên quan tới chất lượng nước.
Theo Đời sống & Pháp lý, tháng 11/2017 cư dân khu đô thị Tân Tây Đô cũng bức xúc phản ánh Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát tự ý nâng giá nước tại khu đô thị này lên 8.050đ/ m3 tính từ tháng 9/2017 tại các tòa CT2A, CT2B và HHB mà chưa có thỏa thuận tới người dân.
Đến tháng 12/2017, hơn 2.000 hộ dân tại khu đô thị Tân Tây Đô tiếp tục phản ánh việc 3 năm qua nguồn nước sinh hoạt tại khu đô thị này có hàm lượng thạch tín (asen) cao gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế.
|
Nguồn nước bẩn tại khu đô thị Tân Tân Đô từng khiến cư dân bức xúc. Ảnh: VOV. |
Nước nhiễm thạch tín ở Tân Tây Đô. Nguồn: VTV3.
Mặc dù đã nhiều lần cầu cứu với chủ đầu tư là công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát, công ty Cổ phần Đầu tư công nghệ môi trường Việt Nam - đơn vị cung cấp nước, song đến thời điểm tháng 12/2017, chất lượng nước ở đây vẫn không được đảm bảo khiến cư dân vô cùng bức xúc.