Theo quy hoạch xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch là 37.430 ha, trong đó đất rừng phòng hộ 6.666ha, đất rừng đặc dụng 30.764 ha. Căn cứ vào quy hoạch, đã có trên 5.000ha đất rừng đã được sử dụng vào phát triển KT-XH trên đảo và bố trí đất nông nghiệp, đất ở cho người dân. Hàng ngàn ha (nguồn gốc đất rừng) sau đó đã được giao cho các doanh nghiệp (DN) làm dự án và các tổ chức, cá nhân khác.
Tuy nhiên vẫn còn hàng ngàn ha đang “trôi nổi”, mà theo Thanh tra Chính phủ: Việc quản lý đất rừng trong thời gian qua ở tỉnh Kiên Giang, đặc biệt là ở huyện Phú Quốc còn có dấu hiệu buông lỏng, để người dân lấn chiếm đất rừng, chặt phá rừng nhưng chậm được phát hiện và xử lý, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục bị lấn chiếm, không có điểm dừng, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Một khu rừng thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc tại Gành Dầu đang bị “xẻ thịt”
Theo báo cáo của BQL rừng phòng hộ Phú Quốc, tại thời điểm Thanh tra Chính phủ vào cuộc (năm 2018), có 60 hộ dân đang sử dụng đất rừng, trong đó 9 hộ đã được cấp sổ đỏ. Tại ấp Chuồng Vích, khu vực gần Trường THCS Gành Dầu, có gần 10.000m2 rừng (trong đó có 3.771m2 đất vùng đệm do UBND xã Gành Dầu quản lý) thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc bị người dân đốt, phá nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không xử lý. Tuy nhiên, theo điều tra của Tiền Phong, mức độ tàn phá rừng nơi đây còn khốc liệt hơn nhiều so với các báo cáo của ngành chức năng.
Chỉ tính 2 điểm gần khu vực trường học nói trên, tổng diện tích rừng bị “thảm sát” lên đến gần 50 ha, trong đó có 6 hộ dân đã xâm phạm vào Vườn Quốc gia. Một cán bộ xã Gành Dầu nói, trên giấy tờ, xã chưa nhận bàn giao đất này từ phía cơ quan chức năng. Và việc lấn chiếm đất rừng có “bóng dáng” của cán bộ và người nhà của họ. Gành Dầu chỉ là một điểm nhỏ trong hàng trăm vụ, với hàng trăm ha rừng bị lâm tặc tấn công, diễn ra triền miên trong nhiều năm qua trên đảo Phú Quốc nhưng việc xử lý là rất ít. Và nguy cơ lấn chiếm “không có điểm dừng” như nhận xét của Thanh tra Chính phủ là có thật.
Quy hoạch kiểu “ngăn sông, cấm biển”
Do quy hoạch theo kiểu “ngăn sông, cấm biển”, nên du khách ra đảo Phú Quốc muốn thưởng thức hương vị biển trở nên vô cùng khó khăn. Tất cả các bãi biển đẹp trên đảo đã rơi vào tay các DN, và họ “kín cổng cao tường” đối với những ai muốn tiếp cận biển trong vùng dự án. Tất nhiên trừ những người thuê khách sạn của họ.
Theo khảo sát của Tiền Phong, bãi biển từ Dinh Cậu (thị trấn Dương Đông) đến rạch Cửa Lấp (xã Dương Tơ) hầu hết đã bị phong tỏa bởi các nhà hàng, khách sạn. Khu vực Dinh Cậu có một bãi biển công cộng vốn chật hẹp, nay càng ngột ngạt hơn khi chính quyền đồng ý cho xây dựng một khách sạn 5 sao nằm sát bờ biển, đến mức không còn lối đi.
Cách đó hơn một cây số về hướng Cửa Lấp, có một lối đi xuống biển rộng chừng 6m, một tấm bảng ghi: “Từ bãi biển Dinh Cậu đến rạch Cửa Lấp, phạm vi từ mép nước trở lên 50m, là bãi biển dành cho công cộng”. Tấm bảng ghi như thế, nhưng khi phóng viên đi xuống mé biển thì ngay cái gọi là bãi biển công cộng này, phía bên phải cũng đã bị bê tông hóa sát ngay mép nước. Bên trái, phía sau hàng rào B40 là tấm bảng ghi: “Ghế, dù và lối đi nội bộ là tài sản của khách sạn, khách ở ngoài vui lòng không sử dụng”. Thật khó cho du khách và người dân bản địa khi tiếp cận những bãi biển “công cộng” như thế này.
Ngay tại vị trí Cửa Lấp, con rạch nơi đây cũng đang bị đất đá bủa vây, khách sạn cao tầng sát biển mọc lên. Tại thị trấn Dương Đông, mấy năm trước từng có du khách do “quá bức xúc” đã đánh trọng thương một nữ nhân viên khách sạn khi cố ngăn không cho anh này cùng gia đình xuống tắm biển.
Nói về hành lang biển và quyền tiếp cận biển, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra: Một trong những chức năng quan trọng của hành lang bảo vệ bờ biển là duy trì cảnh quan tự nhiên vùng bờ, đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển, được quy định trong luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (khoảng cách tối thiểu 100m) và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung đảo Phú Quốc.
Thế nhưng UBND tỉnh Kiên Giang lại ban hành văn bản ngày 15/11/2016, không thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tại 20 bãi biển (toàn bộ các bãi tắm biển) trên đảo Phú Quốc.
Mặc dù ban hành văn bản không thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, nhưng tỉnh Kiên Giang lại chỉ đạo thiết lập hành lang biển tại khu vực Bãi Trường. Tuy nhiên việc thiết lập hành lang biển tại Bãi Trường 66m, đường đi bộ 6m cũng chưa phù hợp với quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, yêu cầu hành lang trung bình ven biển phải rộng tối thiểu 73m, đường rộng 10m. Việc tỉnh Kiên Giang bố trí nhiều trục không gian nhỏ (12 trục, có 3 trục đã được các nhà đầu tư hoàn chỉnh) rải rác gắn liền với các quảng trường biển ở Bãi Trường cũng trái với quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Khách sạn 5 sao Seashell được xây dựng khi giấy phép đã hết hạn
Một cán bộ trên đảo Phú Quốc nói: Sự “ưu ái” của ngành thuế làm thất thoát cả nghìn tỷ đồng và số tiền này cần phải được thu hồi. Nhưng tiền có thể thu hồi được, còn việc “băm” tan rừng, nát biển thì tiền núi cũng không thể “vá” hết
Đảm bảo quyền tiếp cận biển của người dân
Từ những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ yêu cầu tỉnh Kiên Giang: Trên cơ sở quy định của Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo và tình hình thực tế tại địa phương, kịp thời điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng chi tiết, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan và bảo đảm quyền tiếp cận biển của người dân theo đúng quy định của pháp luật.