Ngày 15-7, UBND TP HCM tổ chức hội nghị triển khai xây dựng dự án đường Vành đai 3 đi qua TP HCM.
Chỉn chu cho công tác bồi thường, tái định cư
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh đây là dự án lớn, khối lượng công việc lớn đi qua 4 tỉnh, thành nhưng chỉ còn 3,5 năm để hoàn thành.
Sơ bộ về kế hoạch dự án, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (gọi tắt Ban Giao thông), cho biết đến thời điểm này, Ban Giao thông đã chuẩn bị nhân sự, hoàn tất xây dựng phần mềm giám sát dự án, các thủ tục nguồn vốn cho năm nay và năm sau (khoảng 5.240 tỉ đồng), chuẩn bị các thủ tục điều chỉnh quy hoạch phân khu. Trong tháng 8-2022 phải hoàn tất ranh chính thức của dự án, tháng 10-2022 duyệt quy hoạch phân khu, tháng 11-2022 duyệt dự án khả thi, tháng 6-2023 khởi công (sớm hơn dự kiến theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành) và hoàn thành cơ bản cuối năm 2025.
Liên quan kế hoạch triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ tái định cư (TĐC) cho dự án, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), cho biết công tác chuẩn bị đã được thực hiện từ tháng 3-2021 nhưng để bảo đảm tiến độ thu hồi mặt bằng cho dự án, Sở TN-MT đề xuất thành phố xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho thành phố thí điểm chính sách TĐC trước cho hộ dân đủ điều kiện theo Nghị quyết số 18-NQ/TW. Việc này sẽ tiết kiệm được 4-6 tháng so với cách cũ, giúp người dân đỡ mất thời gian di chuyển chỗ ở…
|
Để thực hiện thành công dự án Vành đai 3 cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa TP HCM và các tỉnh nơi dự án đi qua Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Ngoài ra, nhằm rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ TĐC, ông Võ Trung Trực đề xuất UBND TP HCM giao Sở Giao thông Vận tải, Ban Giao thông rà soát kỹ những đoạn tuyến đã bảo đảm chính xác ranh giới (theo hệ tọa độ VN2000) được Quốc hội thông qua, nếu không thay đổi so với ranh dự án sẽ được phê duyệt thì cắm mốc ranh và bàn giao ngay cho các địa phương để thực hiện tuyên truyền, vận động người dân có đất bị ảnh hưởng, tiến hành đo vẽ, kiểm kê hiện trạng trước khi ban hành thông báo thu hồi đất.
Song song đó, các địa phương phối hợp Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) sớm điều chỉnh quy hoạch đối với 32 đồ án quy hoạch phân khu bị ảnh hưởng bởi dự án thuộc TP Thủ Đức; các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.
Khẳng định quyết tâm cho dự án Vành đai 3, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cam kết địa phương bảo đảm tiến độ chung của dự án đi qua địa bàn. Đoạn Vành đai 3 đi qua TP Thủ Đức khoảng 14,5 km với khoảng 818 hộ, tổ chức bị ảnh hưởng, trong đó hơn 200 hộ có nhu cầu TĐC. Hiện tại, TP Thủ Đức đã chuẩn bị đủ nền TĐC cho người dân.
"Để bảo đảm tiến độ dự án, UBND TP Thủ Đức kiến nghị UBND TP HCM tạm ứng một phần kinh phí cho các địa phương thực hiện trước việc đo vẽ, lập điều chỉnh quy hoạch… Ngoài ra, kiến nghị Sở QH-KT rà soát quỹ đất dọc 2 bên tuyến Vành đai 3 để sớm ráp nối vào quy hoạch chung của thành phố" - ông Hoàng Tùng đề xuất.
Ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết huyện đang đẩy nhanh tiến độ đo vẽ, kiểm kê nhà đất, dự kiến ngày 30-6-2023, Hóc Môn sẽ bàn giao cơ bản mặt bằng dự án đi qua với khoảng 451 hộ bị ảnh hưởng.
"Dự án đi qua địa bàn huyện Hóc Môn khoảng 11,3 km, dọc 2 bên tuyến có khoảng 2.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có 600 ha là đất công, huyện đề xuất đấu giá để có nguồn lực GPMB cho 1.400 ha đất còn lại, giảm chi phí bồi thường cho các dự án sau này" - ông Thắng nói.
Nhiều lưu ý từ chuyên gia
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia Hội đồng Cố vấn của dự án lưu ý TP HCM, các địa phương về vấn đề bồi thường, GPMB cũng như yếu tố kỹ thuật áp dụng cho dự án.
PGS-TS Phạm Xuân Mai nhấn mạnh dự án Vành đai 3 rất phức tạp về yếu tố không gian, địa lý, nhiều thành phần, hạng mục, thời gian thực hiện nhanh. Do đó, cần xây dựng lộ trình chi tiết để tiết kiệm chi phí, bảo đảm tiến độ thực hiện. Ngoài ra, cần áp dụng mô hình TOD (phát triển thành phố theo định hướng giao thông công cộng) vào dự án này, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. Có như vậy mới giảm ngân sách đầu tư cho dự án.
TS Hà Ngọc Trường cũng cho rằng mô hình TOD nên áp dụng để thành phố có nguồn vốn đầu tư các công trình giao thông tương tự. Bên cạnh đó, thành phố nên triển khai song song các thủ tục và phải kiên quyết với các trường hợp không chịu bàn giao mặt bằng.
Ông Trần Phương Hùng, Phân viện Khoa học Giao thông Vận tải phía Nam, lưu ý dự án phải thực hiện trong khoảng thời gian ngắn, thành phố nên lưu ý thêm tính hiệu quả, phù hợp của công nghệ sử dụng cho dự án.
Theo một số chuyên gia, để công tác GPMB thuận lợi phải phát huy vai trò cơ sở của UBND phường - xã có dự án đi qua, thành phố nên điều tra xã hội chi tiết từng hộ dân bị ảnh hưởng để tạo sự đồng thuận cao. Ngoài ra, việc khai thác quỹ đất dọc 2 bên tuyến cần phải sớm đồng bộ trong quy hoạch.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi ghi nhận các ý kiến đóng góp và cho biết sau hội nghị, thành phố sẽ thành lập ban chỉ đạo GPMB, đồng thời xây dựng kế hoạch tổng thể, chi tiết cho dự án cũng như tập trung công tác tuyên truyền GPMB đến các hộ dân bị ảnh hưởng, chuẩn bị nguồn vốn cho dự án.
Đừng để người dân thiệt thòi!
Chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng thực hiện dự án này là công việc khó khăn, cần phải có quyết tâm cao nhất.
Đối với công tác GPMB, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu phải làm sao để người dân đồng thuận, đừng để họ quá thiệt thòi vì việc đền bù không chỉ liên quan đến giá cả mà còn là tình cảm gắn bó của người dân với mảnh đất, căn nhà.
Bí thư Thành ủy yêu cầu các sở ngành, địa phương phải rà soát, không để việc vướng quy hoạch làm mất thời gian triển khai dự án. Song song đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ nội bộ TP HCM, giữa TP HCM với 3 tỉnh mà dự án đi qua.
|