Tập trung bán hàng để có dòng tiền nhanh
Theo BCTC hợp nhất quý IV/2023, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR) đã tất toán xong các khoản nợ trái phiếu, dự nợ vay giảm từ 4.440 tỷ đồng xuống 3.105 tỷ đồng.
Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành bất động sản, tín dụng siết chặt từ nửa cuối 2022, công ty đối diện với áp lực lớn khi hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong năm. Do vậy, công ty phải dồn toàn lực cho việc tái cấu trúc tài chính, mua lại trái phiếu trước hạn, huy động vốn từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ trả nợ để đưa dư nợ trái phiếu từ hơn 2.800 tỷ đồng cuối quý III/2022 về 0.
Ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng Giám đốc chia sẻ Phát Đạt vừa trải qua “cơn bạo bệnh”, đã nỗ lực “trị bệnh” đúng cách, đúng hướng và bắt đầu phục hồi.
Trong năm 2024, doanh nghiệp sẽ tiếp tục củng cố nền tảng, lựa chọn và xây dựng chiến lược mới phù hợp. Trong đó, yêu cầu trọng tâm là tập trung bán hàng để có dòng tiền nhanh và tuyệt đối không dàn trải. Phát Đạt có ít nhất 6 dự án hội đủ điều kiện tốt nhất để tung ra thị trường với tổng doanh thu dự kiến 40.000 tỷ đồng. Sản phẩm trọng tâm là căn hộ và đất nền, ngoài ra còn có bất động sản du lịch.
Lãnh đạo Phát Đạt cũng nhìn nhận chưa thể kỳ vọng thị trường ngay lập tức sôi động trở lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn quyết tâm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và thiết lập mục tiêu kỳ vọng khả quan dựa trên yếu tố vĩ mô bắt đầu mở rộng hơn cho bất động sản từ chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế đến việc hạ lãi suất cho vay.
Đồng thời, công ty tập trung phát triển dự án ở khu vực tiềm năng như Bình Dương, Bình Định, Đà Nẵng, Vũng Tàu…; nhắm đến phân khúc vừa túi tiền của khách hàng có nhu cầu thật; chuẩn bị tính pháp lý dự án và đồng hành với ngân hàng, đối tác tài chính trong chính sách bán hàng.
Tại thời điểm cuối năm 2023, công ty gần như hết khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn, chỉ còn 3,6 tỷ đồng. Đây là khoản tiền người mua hàng trả trước để nhận nhà trong tương lai, được xem là “của để dành” của các công ty bất động sản. Thời điểm đầu năm, Phát Đạt còn 1.239 tỷ đồng người mua trả tiền trước, chủ yếu từ Công ty TNHH Bất động sản Vega (938 tỷ đồng) và dự án khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (298 tỷ). Song, khoản này đã giảm về 196 tỷ vào cuối quý II và 3,6 tỷ vào cuối quý III.
Có lãi quý IV nhờ bán công ty con
Về hoạt động kinh doanh, quý IV/2023, công ty ghi nhận doanh thu 68 tỷ đồng, gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Công ty không ghi nhận doanh thu chuyển nhượng bất động sản trong kỳ, nguồn thu đến từ hoạt động dịch vụ và cho thuê bất động sản đầu tư.
Doanh thu tài chính gấp 25,7 lần lên 421 tỷ đồng, riêng lãi chuyển nhượng cổ phần công ty con là 415 tỷ đồng. Nhờ đó, công ty có lãi ròng 282 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ 267 tỷ cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, Phát Đạt đã chuyển nhượng toàn bộ 99,8% vốn Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp Phát Đạt. Theo công bố trước đó, giá chuyển nhượng không thấp hơn 130% mệnh giá. Bên nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Phát Đạt Holdings – công ty do ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT PDR, làm Chủ tịch HĐQT.
Tại thời điểm cuối năm, Phát Đạt ghi nhận số dư liên quan nghiệp vụ chuyển nhượng cổ phần với Công ty TNHH Phát Đạt Holdings là 1.413 tỷ đồng, thu tiền chuyển nhượng 441,2 tỷ đồng.
Ngược lại, công ty rót 1.602 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Bất động sản đầu tư và phát triển cao ốc Bình Dương (Cao ốc Bình Dương) để duy trì tỷ lệ sở hữu 99,5% khi công ty con này tăng vốn từ 1.010 tỷ đồng lên 2.620 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm, công ty địa ốc báo cáo doanh thu giảm 59% xuống 618 tỷ đồng; lợi nhuận ròng 684 tỷ đồng, giảm 40% so với 2022.
Tại thời điểm 31/12/2023, Phát Đạt có 21.070 tỷ đồng tổng tài sản, giảm gần 1.800 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn giảm từ 5.650 tỷ xuống 4.117 tỷ đồng, khoản đầu tư vào công ty liên kết giảm từ 1.773 tỷ đồng xuống 1.199 tỷ đồng do thoái 27,86% vốn Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn – KL (giá trị góp vốn 643 tỷ đồng). Ngược lại, tiền và tương đương tiền cuối năm tăng từ 262 tỷ lên 505 tỷ đồng.